Đề nghị tính nợ DN nhà nước vào nợ công

17/06/2017 07:41 GMT+7

Thảo luận tại hội trường sáng 16.6 về luật Quản lý nợ công, các đại biểu đề nghị cần đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, đồng thời cân nhắc việc Bộ Tài chính muốn đứng ra làm đầu mối huy động và quản lý nợ.

Mỗi năm nợ công tăng 300.000 tỉ đồng
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ lo ngại trước quy mô nợ công hiện nay tăng quá nhanh. Bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 18,4%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Cuối năm 2016, nợ công chiếm 64,73% GDP, sát với giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Nhẩm tính nợ công bình quân mỗi năm tăng khoảng 300.000 tỉ đồng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lưu ý, nợ công tăng lên không chỉ do luật không phù hợp mà do nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu chi tiêu công ngày càng cao, bội chi ngân sách luôn vượt mức dự toán.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị đưa khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào nợ công, vì trong thực tế, nhà nước vẫn có trách nhiệm và có trường hợp nhà nước trả nợ thay.
Bộ Tài chính muốn có một đầu mối quản lý nợ công
Giải trình tại phiên thảo luận về phạm vi nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết về nợ DNNN, nhiều ý kiến ĐB đề nghị đưa vào nợ công nhưng Bộ giữ nguyên quan điểm không bổ sung vào nợ công, bởi phạm vi nợ công đã tính khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của DNNN được Chính phủ bảo lãnh. Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả, tất cả hoạt động của DNNN bình đẳng với các DN khác theo quy định của luật DN. Ngoài ra, theo ông Dũng, qua khảo sát 40 nước và nhóm nước, hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật là nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công. Bộ Tài chính muốn mình làm đầu mối, kể cả trong huy động, đàm phán hiệp định vay vốn với Ngân hàng Thế giới.
Ngoài ra, theo ông Dũng, việc phân tán các đầu mối dễ rủi ro, dẫn đến khả năng thiếu hiệu quả, khi xảy ra vấn đề rất khó quy trách nhiệm, đặc biệt là các bộ, ngành. Ông Dũng cũng nêu lên thực trạng huy động, quản lý vốn từ nợ công còn bất cập.
Tuy nhiên, đa số các ĐB không đồng tình mà đề nghị giữ nguyên quy định như hiện tại.
Thông qua luật Đường sắt sửa đổi
Đầu giờ chiều 16.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án luật Đường sắt (sửa đổi) với hơn 80% phiếu tán thành. Dự án luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7.2018. Góp ý vào dự án luật trước đó, một số ĐB đề nghị cần phải hướng tới đưa ngành đường sắt theo cơ chế thị trường chính là chuyển cơ chế từ phí sang giá. Song theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc chuyển từ cơ chế phí sang giá cần phải có thời gian.
Chí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.