Đến vịnh Nha Trang phải nộp phí!

10/09/2009 23:56 GMT+7

Từ năm 2006 đến nay UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định thu phí tham quan vịnh Nha Trang và đã thu được khoảng 11 tỉ đồng chủ yếu từ khách đến khu bảo tồn biển. Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Phí tham quan

Ngày 29.9.2005 và 21.2.2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định thu phí tham quan vịnh Nha Trang. Theo đó, mức thu là 5.000 đồng/người/lượt đối với du khách tham quan, lưu trú trong vùng biển, đảo vịnh Nha Trang. Tại vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, mức thu 10.000 đồng/người/lượt đối với du khách xem san hô bằng tàu đáy kính; thu 40.000 đồng/người/lượt đối với du khách bơi, lặn; trẻ em từ 12 tuổi trở xuống được miễn phí. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, từ 1.1.2006 - 30.6.2009, đã thu được khoảng 11 tỉ đồng từ phí tham quan.

Căn nguyên của việc thu phí được giải thích bắt nguồn từ việc tháng 6.2001 - 6.2005, dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam đã được triển khai tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang), có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, với tổng kinh phí 2,1 triệu USD. Dự án nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển đang có nguy cơ bị tàn phá, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực, xây dựng mô hình mẫu để triển khai tại các khu bảo tồn biển khác trong cả nước. Sau khi dự án này kết thúc, sự tài trợ về kinh phí cho hoạt động bảo tồn biển cũng chấm dứt. Để đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo tồn biển Hòn Mun (và sau này là Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang), cần phải huy động nhiều nguồn lực tham gia, trong đó có thu phí tham quan.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang) cho biết: Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 420 km2, là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới; có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới và có tầm quan trọng quốc tế. Theo quan điểm sinh thái - kinh tế, vịnh Nha Trang là nơi hội tụ đầy đủ một cách kỳ lạ tất cả những yếu tố để phát triển 5 trong 6 ngành kinh tế biển quan trọng: cảng biển, giao thông vận tải hàng hải, nghề cá - nuôi trồng hải đặc sản, du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí trên biển, và lấn biển.
Cũng cần nói thêm rằng, năm 2003, sau khi Khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang) được thiết lập, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Bộ Tài chính bổ sung “phí bảo tồn biển” vào danh mục  phí, lệ phí. Bộ Tài chính phản hồi: Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 3.6.2002 không có “phí bảo tồn biển”. Mặt khác, Khu bảo tồn biển Hòn Mun mới là dự án thí điểm, do đó không nên đặt vấn đề bổ sung “phí bảo tồn biển”. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa áp dụng thu “phí tham quan danh lam thắng cảnh”.

Biến thành "phí bảo tồn biển"

Sáng qua 10.9, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức họp với các ngành chức năng, xem xét việc thu phí tham quan vịnh Nha Trang. Một cán bộ lãnh đạo tỉnh cho biết, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh văn bản đề nghị chỉ thu phí tham quan tại vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Nhưng xung quanh chủ trương này có các ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ nên thu phí khách tham quan tại khu vực Hòn Mun (vùng lõi khu bảo tồn biển), nơi có thể ngắm san hô, bơi lặn...; không thu phí khách lưu trú tại khách sạn trên đảo hoặc tham quan khu vui chơi giải trí trên đảo. 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, tham quan là hoạt động của du khách tại nơi có tài nguyên du lịch, với mục đích tìm hiểu, thưởng thức giá trị của tài nguyên du lịch. Vịnh Nha Trang là danh thắng cấp quốc gia, vì vậy phải thu phí tham quan tất cả du khách đến đây. 

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, năm 1998, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã khảo sát du khách tại Nha Trang về thu phí bảo tồn biển. Khoảng 60% du khách cho biết sẵn lòng bỏ ra 10.000 đồng cho mỗi lần tham quan vịnh Nha Trang. 

Tuy nhiên, trong danh mục phí và lệ phí hiện hành lại chưa có “phí bảo tồn biển”, chưa kể việc thực thi như thế nào là việc phải xem xét kỹ lưỡng, để tránh ảnh hưởng đến việc thu hút du lịch trong và ngoài nước, vốn chưa bao giờ được xem là đã làm chu đáo.

Thu phí khách lưu trú là không đúng luật!

Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001, Thông tư 97/2006 của Bộ Tài chính, Nhà nước chỉ tiến hành thu phí đối với hoạt động tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa. Việc bổ sung đối tượng là khách lưu trú trên vùng biển, đảo vịnh Nha Trang vào đối tượng thu phí theo quy định của tỉnh Khánh Hòa là không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật. Phần lớn khách tới khách sạn của doanh nghiệp chỉ để lưu trú, còn lại là khách tới để sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí tại các công trình do công ty đầu tư trên đảo, hoàn toàn không tham quan vịnh Nha Trang. Vì vậy, thu phí tham quan vịnh Nha Trang đối với tất cả khách lưu trú tại khách sạn hoặc vui chơi tại các công trình của doanh nghiệp là không hợp lý và không đúng quy định.

Một doanh nghiệp kinh doanh du lịch
trên đảo thuộc vịnh Nha Trang

Chưa nghe đến phí bảo tồn biển!

Dù đã tham quan biển ở nhiều nước trên thế giới nhưng tôi chưa hề nghe đến loại phí bảo tồn biển. Cũng có thể họ có thu nhưng với tên khác và hình thức nào khác, chứ không thu trực tiếp đối với du khách.

Ông Trần Tường Huy,
Trưởng phòng vé máy bay Công ty du lịch Fiditour

Nếu thu trực tiếp rất phiền hà du khách

Nếu tại Việt Nam có thu thì nên xem xét kỹ lại, bởi nếu trực tiếp thu đối với du khách thì rất phiền hà, không khả thi, thậm chí du khách sẽ phản đối vì hiện nay để đến biển tham quan họ đã phải mua vé tham quan. Cách tốt hơn là hãy thu phí này từ đơn vị khai thác biển làm điểm du lịch.

Ông Lý Tất Vinh,
Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty du lịch Chợ Lớn

X.H - Cẩm Nhi (ghi)

Xuân Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.