Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa kết thúc, Thủ tướng nhận định các địa phương còn chậm báo cáo thông tin trong vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung, trong khi các bộ dù tích cực song cũng chưa có kinh nghiệm với sự cố lần đầu diễn ra trên diện rộng.
Formosa vẫn còn gần 250 tấn hóa chất trong kho
Câu chuyện cá chết chưa rõ nguyên nhân là vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5.5, khi hai bộ trưởng và một thứ trưởng phải đăng đàn để nói về vấn đề này.
|
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc phải chăng đoàn kiểm tra của Bộ Công thương gặp khó khăn gì nên Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phải thanh tra cùng một nội dung liên quan đến vấn đề môi trường của Công ty Formosa ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định do đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng cả về kinh tế, xã hội nên sự vào cuộc của nhiều bộ ngành là hết sức cần thiết. "Riêng Bộ Công thương, chúng tôi thành lập 2 đoàn. Đoàn thứ nhất kiểm tra định kỳ xem việc sử dụng thiết bị, vận hành của các nhà máy, cơ sở công nghiệp có đúng quy trình hay không. Đoàn thứ hai kiểm tra về việc nhập và sử dụng hóa chất nhân việc cá chết xem có kê khai khi nhập và sử dụng có đúng theo đăng ký", ông Hải nói.
Qua kiểm tra, Bộ Công thương cho biết từ đầu năm 2015 đến hết tháng 4.2016, Formosa đã nhập tổng cộng 384 tấn hóa chất gồm 103 loại. "Cách đây mấy ngày họ còn 248 tấn trong kho... Số đã sử dụng đều đúng với mục đích khai báo ban đầu của doanh nghiệp là để làm sạch bề mặt kim loại, xử lý nước, ổn định pH", Thứ trưởng Hải cho biết.
Ông Hải cũng dẫn ví dụ ngành y tế được phép nhập những thuốc rất độc, nhưng có thể để chữa bệnh, nên điều quan trọng là phải xem xét việc sử dụng các hóa chất đó có đúng quy trình hay không. "Vấn đề xả thải thì Bộ TN-MT đã vào kiểm tra và sẽ có báo cáo sau", Thứ trưởng nói thêm.
Trả lời báo chí về việc Chính phủ có nhận định hay rút kinh nghiệm gì khi xử lý vấn đề này những ngày qua, ông Mai Tiến Dũng nói rằng vụ cá chết là lần đầu tiên nước ta xảy ra trên diện rộng nên chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống. "Tuy nhiên, Thủ tướng nhận thấy Chính phủ, các bộ đã rất chủ động, sớm có chỉ đạo quyết liệt, bằng chứng là Thủ tướng, Phó thủ tướng và nhiều bộ trưởng đã vào hiện trường. Nhưng, chuyện các địa phương báo cáo lên chậm là có và đã được Thủ tướng nhắc nhở", ông Dũng thông tin.
Người phát ngôn Chính phủ cũng cho hay, Thủ tướng đã giao Bộ TN-MT trên cơ sở kết quả thanh, kiểm tra của các bộ, ngành liên quan; các chuyên gia trong và ngoài nước... sẽ phát ngôn toàn bộ nguyên nhân cá chết. "Quan điểm của Thủ tướng là xử lý nghiêm nếu có vi phạm chứ không loại trừ tổ chức, cá nhân nào", Bộ trưởng nhắc lại.
Không ai được bao che thủ phạm gây ô nhiễm
Chiều 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn phương án khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại.
Chưa thể nói thời điểm tìm ra nguyên nhân
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, người vừa trở về từ vùng biển miền Trung nhìn nhận, sự cố môi trường này là nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ ngư dân mà cả với ngành du lịch, một vùng hậu cần nghề cá rộng lớn phía sau. "Tuy nhiên vẫn chưa thể nói trước đến lúc nào thì có nguyên nhân chính xác vì còn chờ các nhà khoa học báo cáo", ông nói.
Ông cũng cho hay, sở dĩ các cơ quan chức năng khoanh vùng nguyên nhân rộng với vùng biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế và cách bờ hàng chục hải lý là vì khoanh vùng rộng thì độ an toàn, chính xác càng cao. "Khi phát hiện con cá chết ở vùng biển cách bờ 15 hải lý thì phải khoanh vùng rộng ra 20 hải lý chẳng hạn", Bộ trưởng giải thích.
Tại cuộc họp, câu chuyện dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng với số vốn cả tỉ USD mà Công ty Xuân Thiện Ninh Bình kiến nghị, vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo Chính phủ cũng được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát thẩm định đầu tư của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ quan này mới chỉ báo cáo Thủ tướng về việc doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu. "Nếu được Chính phủ cho phép chủ trương thì doanh nghiệp còn phải lập dự án khả thi và báo cáo lại, xin phê duyệt tiếp chứ không phải được đồng ý lần này có nghĩa là doanh nghiệp đã đầu tư, thực hiện luôn", ông Tự giải thích.
Dù vậy ông Tự cho biết, nhận thức dự án ảnh hưởng lớn nên Bộ đã xin ý kiến các bộ và các bộ ngành mới đồng thuận cao ở mức độ cho nghiên cứu tiếp.
Xuất hiện rong lạ trên vùng biển Thừa Thiên-Huế
Ngày 5.5, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Hoàng Ngọc Khanh cho biết Sở TN-MT tỉnh đã thu thập mẫu của một loài rong lạ để gửi bộ, ngành T.Ư phân tích, kiểm nghiệm.
Loài rong này có màu trắng, xuất hiện tại vùng biển xã Quảng Ngạn, H.Quảng Điền và nhiều người dân địa phương cho biết họ chưa bao giờ thấy loài rong này. Cùng ngày, ông Khanh cũng đã đại diện UBND tỉnh có những thông tin chính thức cung cấp cho báo chí về tình trạng cá chết bất thường xuất hiện tại Thừa Thiên-Huế trong thời gian qua.
Theo đó, cá chết xuất hiện tại tỉnh này thành 3 đợt, bắt đầu từ ngày 15.4. Đáng chú ý, sau một thời gian tạm lắng, từ ngày 2 - 4.5 tình trạng cá chết bất thường đã xảy ra tại vùng biển Quảng Ngạn, Quảng Công (H.Quảng Điền) và các xã Phú Thuận, Phú Hải, TT.Thuận An (H.Phú Vang), Hải Dương (TX.Hương Trà). Cá nuôi lồng tại thôn Hải Tiến, TT.Thuận An nuôi tại cửa biển Thuận An (thuộc phá Tam Giang) cũng đã bị chết hàng loạt.
“Đến thời điểm này các chỉ số quan trắc môi trường ở các điểm bờ biển, bãi tắm, các điểm nuôi trồng thủy sản đều an toàn, nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển” - ông Khanh nói. Cũng theo ông Khanh, tình trạng cá lồng nuôi chết hàng loạt tại vùng cửa biển Thuận An xảy ra cục bộ, nguyên nhân có thể do kỹ thuật nuôi của người dân chưa đảm bảo.
Đình Toàn
|
Bình luận (0)