Đột phá cơ chế tháo ‘điểm nghẽn’ giao thông

28/02/2016 06:51 GMT+7

Ngày 27.2, Thành ủy, UBND TP.HCM làm việc với Bộ GTVT về phối hợp công tác năm 2016 và những năm tiếp theo; tháo gỡ những điểm nghẽn giao thông để thành phố phát triển mạnh hơn.

Ngày 27.2, Thành ủy, UBND TP.HCM làm việc với Bộ GTVT về phối hợp công tác năm 2016 và những năm tiếp theo; tháo gỡ những điểm nghẽn giao thông để thành phố phát triển mạnh hơn.

Giao thông ở TP.HCM quá tải, gây nhiều bức xúc - Ảnh: Diệp Đức MinhGiao thông ở TP.HCM quá tải, gây nhiều bức xúc - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự có 4 thứ trưởng Bộ GTVT gồm các ông Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Nhật. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định hệ thống giao thông TP.HCM đã được quy hoạch và được Thủ tướng phê duyệt với tổng nguồn vốn đầu tư cần khoảng 44 tỉ USD.
Các bộ ngành đừng sợ người ta làm không đúng. Người trèo cây không sợ ngã mà người đứng dưới cứ sợ ngã thôi. Anh càng nhắc thế người ta càng dễ ngã. Cứ để yên cho người ta làm. Anh cứ lo kiểm tra, giám sát, đôn đốc
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

Do nguồn lực còn nhiều khó khăn nên một số nội dung quy hoạch sẽ khó thực hiện được theo đúng lộ trình. Quy mô, chỉ giới một số công trình theo quy hoạch còn chưa sát với điều kiện thực tế, bất cập nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, gây áp lực lớn về giao thông đô thị.
Việc đầu tư các phương thức vận tải công cộng khối lượng lớn để giải quyết ùn tắc còn chậm, đặc biệt là tiến độ của các tuyến đường sắt đô thị. Hệ thống đường vành đai đô thị chưa hoàn chỉnh tạo áp lực lớn lên mạng giao thông đô thị (đặc biệt là đường Vành đai 2 và Vành đai 3). Bên cạnh đó, việc tổ chức, quản lý giao thông còn một số bất cập, hạn chế...
“Phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đặc biệt...”
Chủ trì buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chia sẻ những khó khăn, áp lực của người dân TP trước tình hình giao thông căng thẳng hiện nay; mong muốn Bộ GTVT ủng hộ TP chủ động xây dựng và báo cáo Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy huy động nguồn vốn theo hình thức đối tác công tư (PPP) dưới nhiều hình thức, tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, tháo "điểm nghẽn" giao thông của TP. Bộ phối hợp chặt chẽ với TP.HCM trên tinh thần “cái gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của TP thì TP phải làm tốt, cái gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ thì Bộ làm nhanh”, tất cả vì mục tiêu là hoàn thiện hạ tầng giao thông, phù hợp với một đô thị đặc biệt, phát triển. “TP phải hết sức kiên trì làm việc với T.Ư để có cơ chế đột phá phát triển. Phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đặc biệt, quyết tâm đặc biệt, cố gắng đặc biệt để đưa TP.HCM đi lên. Nếu chúng ta không có cơ chế đột phá thì rất khó phát triển”, ông Thăng khẳng định.
“Thủ tục đầu tư thì các đồng chí ở Bộ phải tính toán phân cấp, ủy quyền, chứ anh em trong này ra thì rất tốn kém, lãng phí, chờ đợi”, ông nhắn gửi và nói: “Các bộ ngành đừng sợ người ta làm không đúng. Người trèo cây không sợ ngã mà người đứng dưới cứ sợ ngã thôi. Anh càng nhắc thế người ta càng dễ ngã. Cứ để yên cho người ta làm. Anh cứ lo kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Tôi đề nghị như thế, trên tất cả các lĩnh vực, kể cả phân cấp về đầu tư, phê duyệt, quản lý kết cấu hạ tầng...”.
“Không phải thấy khó là bó tay”
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng thừa nhận hạ tầng giao thông vẫn còn chắp vá, chưa thật sự đồng bộ, việc đi lại của người dân hằng ngày vẫn chịu nhiều áp lực... “TP sẽ đẩy nhanh tốc độ giải quyết các vấn đề bức xúc mà thực tiễn đặt ra, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Tinh thần hành động là nếu gặp khó thì tập trung tìm giải pháp, tâm huyết giải quyết, chứ không phải thấy khó là bó tay”, ông Phong khẳng định.
Liên quan đến vấn đề “hàng loạt ốc đảo nằm đợi cầu” mà Thanh Niên đã phản ánh, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho biết TP đang khẩn trương xem xét, triển khai ngay các dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhằm mở rộng hệ thống cầu đường nối từ Q.1 sang Q.4, Q.7, H.Nhà Bè...

Ông Đinh La Thăng đặc biệt lưu ý không được để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong việc đầu tư, quản lý dự án, cơ sở hạ tầng giao thông. “Việc khai thác hệ thống đường thủy nội địa, cảng, luồng lạch... nếu giao cho TP khai thác, quản lý hiệu quả thì Bộ cũng nên giao”, ông Thăng gợi ý và nói: “Ở đây không có chuyện lợi ích nhóm gì cả. Có anh em nói vui là giao rồi thì tụi em móm. Nếu móm thì ăn cháo, cũng không có gì phải lo cả”. Ông Thăng cũng cảnh báo tình trạng chậm trễ trong việc đầu tư dự án giao thông, trong đó đặc biệt có các dự án metro làm “đội” vốn rất lớn, gây lãng phí và bức xúc cho người dân.
“Chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường, vỉa hè”
Liên quan đến tình trạng “cát cứ” lòng lề đường mà Thanh Niên phản ánh trong những ngày qua, ông Đinh La Thăng yêu cầu UBND TP phải sớm chỉ đạo Sở Tài chính báo cáo việc cho thuê lòng lề đường ở các quận, huyện hiện nay như thế nào, được bao nhiêu tiền... “Phải chấm dứt việc cho thuê lòng đường, vỉa hè. Chỗ nào cho đỗ xe được thì không thu phí, chứ chúng ta khoán thu, khoán chi kiểu này thì lòng lề đường thành nơi kinh doanh hết, người dân không có chỗ để đi”, ông lưu ý.
Riêng vấn đề “nhùng nhằng quy hoạch xe đón khách”, ông Thăng yêu cầu tiến hành rà soát lại tất cả quỹ đất của TP. “Bao giờ chấm dứt nạn xe dù, bến cóc? Cả bộ máy trong tay mà sao không xử lý được. Chúng ta phải quy định rõ ràng, minh bạch, xử phạt vi phạm phải nghiêm. Chứ người này xử phạt mà người kia không xử thì dẫn đến tiêu cực”, ông đặt vấn đề và nói: “Chỗ nào cho thuê không hiệu quả thì thu hồi. Mấy trăm nghìn mét vuông đất mà mỗi năm cho thuê vài trăm triệu là không hiệu quả, phải thu lại, làm giao thông tĩnh. Quy hoạch phải dành gần 200 ha mà hiện chỉ có hơn 20 ha là quá ít, không đáp ứng nổi. Diện tích đất cần cho giao thông từ 16 - 25% mà hiện cũng chỉ có khoảng 7% thì ùn tắc là đúng rồi”.
“Hiện nay tắc đường xảy ra nhiều. Đừng gây ra thêm bức xúc nữa, người dân tham gia giao thông đã quá mệt mỏi với tình hình giao thông của mình rồi, không thể để kéo dài nữa”, ông Thăng yêu cầu và cảnh báo: “Đường dây nóng của tôi cũng có tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực về xe dù, bến cóc; kể cả người vi phạm giao thông thì có người bị phạt, có người không. Phải nâng cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ cương, trách nhiệm của người thực thi công vụ và người đứng đầu. Các cơ quan chức năng TP phải quán triệt tinh thần này. Công khai, minh bạch thì mọi chuyện sẽ tốt lên”.
Thiếu nhi bức xúc giáo dục, an toàn giao thông
Cùng ngày, 157 thiếu nhi đại diện cho hơn 1,3 triệu trẻ em TP.HCM đã gặp gỡ, bày tỏ thắng thắn những tâm tư nguyện vọng xen lẫn lo âu bức xúc với các vị lãnh đạo TP.HCM.
Ý kiến của thiếu nhi xoay quanh kiến nghị đổi mới giáo dục, sách giáo khoa; an toàn và văn hóa giao thông; bảo vệ môi trường, an ninh trật tự... Trịnh Thu Phương, học sinh lớp 8 (Q.Tân Bình), phản ánh tình trạng chen lấn trên xe buýt và bác tài ép khách, rất nguy hiểm. Trong khi đó, một học sinh lớp 7 ở Q.Gò Vấp nói: “Đường sá đông đúc nhưng cháu thấy một số chú CSGT chưa làm đúng trách nhiệm. Chẳng hạn, các chú ấy phạt người dân nhưng không nói lỗi gì, hoặc không ra nhắc nhở người dân đi đúng quy định”...
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, học sinh phản ánh rất đúng về vấn đề sách giáo khoa với những số liệu cũ ở một số môn. Hiện TP.HCM đang tổ chức biên soạn đổi mới sách giáo khoa và dự kiến đến năm 2018 có một số bộ sách mới cho học sinh... Trong khi đó, Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường thừa nhận có tình trạng phân biệt đối xử, lái xe không an toàn, bỏ bến bỏ trạm mà các học sinh phản ánh. Ông Cường hứa đầu tuần tới sẽ làm việc trực tiếp theo phản ánh của các em.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định lãnh đạo thành phố rất trân trọng lắng nghe các ý kiến của thiếu nhi và cho rằng “đó vừa là phản ánh tâm tư nguyện vọng vừa là những ý kiến triển khai trước mắt, vừa đặt vấn đề lâu dài và có những vấn đề mang tầm chiến lược”. Ông yêu cầu công chức, viên chức cần gương mẫu và các cấp phải rà soát lại, có giải pháp thực hiện những chủ trương chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cuộc gặp năm sau phải có báo cáo tất cả các nội dung của năm 2016 và những năm trước lãnh đạo thành phố đã làm được cũng như chưa làm được để báo cáo lại các cháu.
Như Lịch - Trung Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.