Dự án chống ngập lạc hậu, ngập nữa, ngập mãi

25/09/2015 09:22 GMT+7

(TNO) Lý giải về tình trạng ngập nghiêm trọng tại TP.HCM, các nhà khoa học cho rằng, việc san lấp mặt bằng đã lấy đi các khu vực chứa nước tự nhiên, trong khi các dự án chống ngập thì lạc hậu.

(TNO) Lý giải về tình trạng ngập nghiêm trọng tại TP.HCM, các nhà khoa học cho rằng, việc san lấp mặt bằng đã lấy đi các khu vực chứa nước tự nhiên, trong khi các dự án chống ngập thì lạc hậu.

Khu vực quận 8 ngập do triều cường đạt đỉnh 1,68 m. Ảnh chụp ngày 10.11.2014 - Ành: Phạm HữuKhu vực quận 8 ngập do triều cường đạt đỉnh 1,68 m. Ảnh chụp ngày 10.11.2014 - Ành: Phạm Hữu

Cần xem lại tính khả thi của các dự án chống ngập

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM (Hascon) cho rằng, các dự án chống ngập của thành phố không có tác dụng chống ngập mà chỉ là những dự án ứng phó tạm thời.
Nguyên nhân chính là do thời gian qua, TP.HCM đã san lấp rất nhiều kênh rạch để xây dựng các khu đô thị, trong khi không có một quy hoạch đồng bộ. Việc san lấp mặt bằng ồ ạt đã lấy đi các khu vực chứa nước tự nhiên, như các hồ, đầm, vùng trũng ở khắp TP, nhất là ở Q.7, Q.8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè; thậm chí là ở Q.1, khu Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh)… 
Người dân ở quận 7 đi lại hết sức khó khăn khi triều cường dâng cao. Ảnh chụp ngày 10.11.2014 - Ảnh: Phạm HữuNgười dân ở Q.7 đi lại hết sức khó khăn khi triều cường dâng cao - Ảnh: Phạm Hữu

TS Phúc dẫn chứng, trước đây người Pháp đã quy hoạch Sài Gòn một cách tỉ mỉ về Q.7, Q.8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ chỉ làm vùng trũng chứa nước, không phát triển đô thị về phía nam; chọn những nơi cao như: Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn để phát triển đô thị một cách bền vững. Nhưng hiện nay, mọi thứ đã thay đổi theo chiều ngược lại.
Nói về các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập, TS Phúc cho rằng đã quá lạc hậu, không còn tính ứng dụng thực tiễn. Ngay từ những năm 90 cho đến nay, những người làm dự án đã không vạch ra được đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập. Từ năm 2000 - 2010 việc lấp kênh rạch còn diễn ra nhiều hơn và cũng không giải quyết tận gốc nguyên nhân của vấn đề. Phần lớn các dự án chỉ tập trung vào cách giải quyết chuyện xây cống và chống ngập ở nội đô thành phố, không quan tâm đến việc triều cường ngày một dâng ca.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh như biển nước sau cơn mưa 'lịch sử' ngày 15.9 - Ảnh: Phạm HữuĐường Nguyễn Hữu Cảnh trông như biển nước sau cơn mưa "lịch sử" ngày 15.9 - Ảnh: Phạm Hữu

Đến năm 2008, TP.HCM cùng với Bộ NN-PTNT thực hiện quy hoạch 1547, thiết lập hệ thống đê bao và cống kiểm soát triều ven sông Sài Gòn. Nhưng dự án này cũng bất cập ở chỗ không đề cập đến tình hình ngập do nước mưa trong nội đô.
Còn giáo sư (GS) - TS Nguyễn Tất Đắc, nguyên cán bộ Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: “Quy hoạch 1547 đã cho thấy khuyết điểm là chỉ tính ngập do triều, ít chú ý đến mưa và lượng nước tiêu thoát trong lòng TP. Trước kia, dự trù kinh phí 30.000 tỉ đồng nhưng bây giờ đã đội vốn lên đến gần 67.000 tỉ đồng. Tuy nhiên để xây dựng xong tuyến đê mất ít nhất hàng chục năm, và trong thời gian đó thành phố sẽ vẫn còn ngập”.
GS - TS Nguyễn Tất Đắc cho biết thêm, nhược điểm của quy hoạch này là chỉ chống ngập triều cho TP, nhưng bên ngoài đê nước sẽ ngập rất cao.
“Chúng ta chỉ chống ngập cho TP, còn những vùng lân cận sẽ bị ngập liên đới. Ngoài ra sẽ gây ra tình trạng nước mặn tràn vào, làm ảnh hưởng đến những nhà máy nước nằm dọc bờ sông Sài Gòn”, GS - TS Nguyễn Tất Đắc nói.
Phát triển TP về hướng vùng cao
Theo TS Phúc, cần phải chế tài việc lấp, lấn chiếm kênh rạch. Nếu không chế tài thì việc tiếp tục ngập là không tránh khỏi. “Đã nhiều lần chúng tôi cảnh báo và nói đi nói lại về vấn đề này, nhưng không có ai chịu lắng nghe”, TS Phúc nói.
Ngoài ra, TS Phúc cũng cho rằng, TP nên phát triển đô thị theo hướng bắc, nơi cao ráo, ít sông ngòi như Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn… Tránh tình trạng ngập là san lấp ở các vùng trũng.
“Nếu cơ quan chức năng không có chiến lược và quy hoạch chế tài việc san lấp; định hướng phát triển TP về vùng cao, thì chắc chắn điệp khúc càng chống càng ngập, càng đổ nhiều tiền càng ngập nặng hơn từ hàng chục năm qua sẽ tiếp tục dằn vặt chúng ta”, TS Phúc nói.
Còn GS-TS Nguyễn Tất Đắc thì cho rằng, TP.HCM nên lấy ý kiến của nhiều nhà khoa học hơn nữa. Nên làm các công trình ngăn triều từ vòng ngoài, xa TP.HCM như Soài Rạp, Vũng Tàu... Giải pháp làm hồ chứa nước mưa tạm trữ nước kiểu Nhật cũng là một giải pháp khả thi, nhưng nếu làm thì phải tính toán cẩn thận và chi tiết hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.