'Dụ' mua bán tiền giả, kiếm lợi 300 triệu đồng/tháng

29/01/2016 15:05 GMT+7

Trên mạng xuất hiện tình trạng rao bán tiền giả với cam đoan “giống tiền thật 98%”. Đáng nói, nhiều kẻ đã lôi kéo người khác vào cuộc.

Trên mạng xuất hiện tình trạng rao bán tiền giả với cam đoan “giống tiền thật 98%”. Đáng nói, nhiều kẻ đã lôi kéo người khác vào cuộc.

Những cọc tiền giả mệnh giá 200.000 đồng - Ảnh: Hà AnNhững cọc tiền giả mệnh giá 200.000 đồng - Ảnh: Hà An
1 triệu đồng tiền thật đổi 8 triệu đồng tiền giả
Chỉ cần lên Facebook gõ từ khóa “mua tiền giả” thì kết quả xuất hiện hàng trăm Fanpage và trang cá nhân có tên như “Mua bán…”, “Mua bán trao đổi…”, “Mua bán tiền…”. Cứ mỗi lời rao bán “tiền giả” thu hút được hàng trăm lượt like, lượt chia sẻ. Có nhiều thành viên háo hức hỏi mua, còn đánh dấu thêm bạn bè để rủ mua chung, nhưng cũng không ít người chia sẻ tỏ vẻ không đồng tình việc mua bán tiền giả này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ cần trao đổi qua mạng, người bán sẽ tư vấn và thông báo giá cả. Người bán không chịu gặp mặt để thực hiện việc giao dịch mà yêu cầu người mua chuyển khoản cho người bán trước và sẽ chuyển “hàng” qua đường bưu điện. Cũng có kẻ bán buộc người mua gửi tiền đặt cọc bằng cách mua thẻ cào cho người bán, sau đó người bán mới chịu chuyển hàng.
Mặc dù báo chí đã đăng tải thông tin về tình trạng lừa bán tiền giả qua mạng xã hội nhưng sáng 29.1, vẫn còn nhiều tài khoản Facebook tiếp tục rao bán. Cụ thể, tài khoản Facebook “Mua bán tiền…” đăng tải hàng loạt hình ảnh các cọc tiền mệnh giá từ 100.00 đồng, 500.000 đồng kèm theo lời chào mời: “Cận tết anh em tranh thủ lấy hàng sớm. Vì cận tết nên mình rất bận, mọi người mua từ 2 triệu trở lên mình mới giao hàng”.
Ngoài ra, các trang cá nhân khác cũng rao bán 1 triệu tiền thật đổi được 4 triệu tiền giả. Chủ nhân tài khoản Facebook có tên B.N. rao: “Muốn kiếm tiền xài tết, mua nhà, xây nhà, chăm lo gia đình thì về đội của mình. Một ngày có thể rửa được 10 triệu thì 1 tháng sẽ kiếm được 300 triệu xài, khỏi phải đi làm nhiều, chỉ việc ăn xài tiền. Cuộc sống như tiên”.
Tương tự, trang cá nhân tên K.N. cũng đăng tải hình ảnh những cọc tiền giả và trấn an mọi người: “Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polime, chỉ khác là các tờ tiền giả có cùng mệnh giá có số seri giống nhau. Nếu xài 1 tờ thì chắc chắn không bị phát hiện. Đổ xăng, đi chợ mua hàng tạp hóa đều được. Chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số seri mới bị phát hiện thôi”. Những người rao bán còn công khai, “hàng” lấy từ Trung Quốc.
Chiếm đoạt tiền cọc
Khi chúng tôi nhắn tin qua Facebook cho chủ tài khoản “Mua bán tiền…” hỏi mua 5 triệu tiền giả các loại mệnh giá từ 100.000 đồng, 200.000 đồng thì chủ tài khoản bảo 1 triệu tiền thật đổi được 8 triệu tiền giả. Khi chúng tôi hỏi giao hàng thế nào, thì người này bảo phải đặt cọc trước 30% qua thẻ ngân hàng hoặc là mua thẻ cào điện thoại gửi qua tin nhắn. Khi người này nhận được tiền thì sẽ có người liên hệ để giao hàng.
Các tài khoản cá nhân rao bán tiền giả trên mạng - Ảnh chụp màn hình

Chúng tôi điện thoại cho người rao bán nói nếu lỡ trả tiền cọc nhưng người bán không giao “hàng” thì sao, người đầu dây bên kia quát: “Bạn yên tâm. Mình làm ăn uy tín, không có chuyện đó đâu. Nếu bạn không chịu đặt cọc thì ai tin tưởng được bạn mà giao hàng…”.
Tuy nhiên, không ít người “la làng” vì bị lừa trên mạng. Một nạn nhân có tài khoản Facebook cá nhân H.N than thở bị chủ tài khoản “Mua bán tiền…” lừa vì đã gửi tiền đặt cọc bằng thẻ cào 100.000 đồng nhưng cả ngày liên lạc không được, nhắn tin thì không ai trả lời nữa. Trang cá nhân tên H.T. cũng chia sẻ thêm: “Mình gửi 2 thẻ cào 100.000 đồng đặt cọc, nhưng sau đó nhắn tin chủ tài khoản “Mua bán tiền…” vẫn đọc nhưng không trả lời mình nữa”.

Khi bọn lừa đảo nhận được tiền thì sẽ “biến mất”, khóa tài khoản, chặn Facebook người mua, chặn số điện thoại... hoặc có thể giao tiền giả là tiền âm phủ. Lúc đó người mua tiền giả sẽ chịu mất tiền thật vì không dám báo cơ quan chức năng

Một lãnh đạo của C50 - Bộ Công an


Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an cho biết, sau khi nhận được thông tin trên các trang mạng xã hội về việc rao bán tiền giả, lãnh đạo đã chỉ đạo xác minh để truy tìm ra các đối tượng rao bán tiền giả và nguồn gốc tiền giả nhằm xử lý đến cùng những loại tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội này. C50 cũng đã phát hiện được một nghi phạm mua bán tiền giả ở Hà Nội, tuổi đời còn rất trẻ, thường rao trên Facebook là bỏ tiền thật ra để mua tiền giả nhưng thực chất không có tiền giả như rao bán.
Khi nạn nhân hỏi mua, người này nói đủ mọi cách để nạn nhân gửi tiền đặt cọc qua tài khoản hoặc nạp card điện thoại. Tuy nhiên, khi nạn nhân gửi tiền hoặc thẻ cào xong thì nghi phạm này cắt đứt liên lạc với nạn nhân để chiếm đoạt toàn bộ tiền. Tính đến thời điểm nghi phạm này bị mời lên làm việc, đã lừa đảo tổng cộng 50 triệu đồng và khai với cơ quan chức năng có hàng trăm nạn nhân mắc bẫy.
Một lãnh đạo của C50 khuyến cáo, đối với hành vi rao bán tiền giả trên mạng, người dân cần hết sức cảnh giác bởi vì những người hám lợi nhuận rất dễ trở thành người bị hại của những kẻ rao bán tiền giả. Bên cạnh đó, người có ý định mua tiền giả rất dễ bị lừa, mất tiền thật vì phải chuyển tiền thanh toán trước cho bên rao bán. “Khi bọn lừa đảo nhận được tiền thì sẽ “biến mất”, khóa tài khoản, chặn Facebook người mua, chặn số điện thoại... hoặc có thể giao tiền giả là tiền âm phủ. Lúc đó người mua tiền giả sẽ chịu mất tiền thật vì không dám báo cơ quan chức năng”, vị này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo điều Điều 180, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, với hình phạt cao nhất là tù chung thân. Hành vi lưu hành tiền giả là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Tội phạm về tiền giả có thể tạo ra tâm lý bất ổn trong hoạt động lưu thông tiền tệ, gây hoang mang trong quần chúng.
Từ đó, vị này nhận định, trong thời điểm cận tết hoạt động lưu hành tiền giả có xu hướng gia tăng. Bộ Công an đã có chỉ thị đến các đơn vị nghiệp vụ phòng chống tội phạm và công an các địa phương xác lập các chuyên án để đấu tranh với loại tội phạm này; quyết tâm phá vỡ các đường dây lưu hành tiền giả và các giấy tờ có giá giả khác góp phần vào đợt cao điểm tấn công phòng chống tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2016.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, hành vi đưa thông tin có số lượng tiền giả rồi đề nghị người khác trả tiền trước qua thẻ ATM hoặc nạp thẻ điện thoại để đặt cọc hoặc mua tiền giả (trong khi thực tế là không hề có tiền giả) rồi chiếm đoạt số tiền này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, với khung hình phạt đến 7 năm tù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.