Sáng 3.7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Aptech (Ấn Độ) tổ chức hội thảo Giải pháp đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham gia của nhiều chuyên gia khoa học công nghệ đến từ các tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới.
Tại đây, đại diện các tập đoàn công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nhân lực, đóng góp các ý kiến, giải pháp giúp Việt Nam chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, phục vụ cho Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Không có điện thoại chúng ta bị cô lập”
Ông Phạm Thế Trường, đại diện các tập đoàn Công nghệ Microsoft cho rằng, đa số hiện nay ai cũng đang sử dụng một chiếc Smatphone. Đó chính là phương tiện để sử dụng công nghệ 4.0 trong công việc hàng ngày.
“Bây giờ ra đường, tôi có thể quên ví cũng không sao, nhưng không có điện thoại thì chúng ta cảm thấy bị cô lập, bởi mọi giao dịch và làm việc đều có thể sử dụng thiết bị này. Hiện có thể thanh toán qua điện thoại; sắp tới khi giao dịch trên các ứng dụng, chúng ta còn không biết đang làm việc với người hay với máy…”, ông Trường mở đầu bài nói chuyện của mình.
Ông Trường cũng cho biết, việc thay đổi khoa học công nghệ 3 năm tới sẽ bằng 15 năm qua. “Môi trường làm việc sẽ thay đổi, những người dưới 40 tuổi, nhất là giảng viên nên quan tâm, vì đây là lứa tuổi có thể đang làm lãnh đạo, là những người sẽ đào tạo các thế hệ tương lai, làm sao chúng ta không biết?”, ông Trường nhấn mạnh.
“Hiện nay, 80% công việc tôi đều dùng điện thoại để xử lý, chứ không làm việc trên máy tính nữa. Việc ký các văn bản giao dịch cũng trên điện thoại, nên phòng làm việc không có một tờ giấy nào, chỉ có duy nhất 1 chiếc ti vi”, ông Trường cho hay.
Tuy nhiên, ông Trường cũng bày tỏ lo lắng trước thực trạng hiện nay hầu như giảng viên các trường đại học chưa nhiều người tiếp cận với công nghệ này. Đồng thời, qua khảo khảo sát nhiều sinh viên thì thấy chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc trong môi trường của các tập đoàn công nghệ lớn.
“Hiện những lực lượng lao động mới chỉ cần 50 % biết công nghệ, 50 % không cần. Nhưng 10 năm tới sẽ phải có 77 % lực lượng cần biết công nghệ này như biết đi, biết nói, biết đọc”, ông Trường nói, đồng thời cảnh báo những người trẻ dưới 40 tuổi cần phải biết về công nghệ 4.0, nếu không sẽ có nguy cơ mất việc làm.
|
Thay đổi tư duy dạy và học
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, đại diện Tập đoàn công nghệ thông tin Oracle, hiện lực lượng lao động ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động các bậc thấp và bậc trung. Những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo vẫn đang rất thiếu nhân lực.
Ông Hoàng dự báo trong 5 năm tới, ngành công nghệ thông tin sẽ thiếu nguồn chuyên viên cấp cao khi nguồn nhân lực trong nước mới chỉ đáp ứng được 60 - 70% của thị trường. “Trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, kiểm toán, nhà hàng, khách sạn cũng đang rất thiếu đội ngũ chuyên viên cấp cao, CEO... hiện phải thuê lao động nước ngoài”, ông Hoàng cho hay.
Đáng lưu ý, ông Hoàng cho biết, theo khảo sát về tỷ lệ việc làm của sinh viên một trường đại học đào tạo có uy tín ở Hà Nội thì khả năng đáp ứng các kỹ năng công việc còn rất hạn chế, như: kỹ năng tin học; năng lực phân tích tổng hợp; năng lực sáng tạo… hầu như mới chỉ đáp ứng một phần.
Theo ông Hoàng, để đáp ứng yêu cầu đối với sinh viên “đời” 4.0, nhà trường cần thay đổi tư duy dạy và học. “Giáo dục cần chuyển từ quan niệm có kiến thức là có năng lực, sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực. Cần chuyển việc học từ học thuộc, nhớ nhiều, sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập…”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tập đoàn Aptech đã ký kết tổ chức khóa đào tạo công nghệ 4.0 dành riêng cho các giảng viên trường đại học tại Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia công nghệ 4.0 quốc tế.
Ông Chu Tuấn Anh, đại diện Tập đoàn Aptech tại Việt Nam, cho biết dự kiến khóa học sẽ diễn ra tại Hà Nội, mỗi trường đại học sẽ được cử 1 giảng viên tham dự. Khóa học sẽ tập trung các kiến thức thực hành. Sau khi tham gia, giảng viên cũng sẽ được cung cấp giáo trình riêng để có thể đào tạo ngay cho sinh viên mà không phải tiếp tục nghiên cứu.
|
Bình luận (0)