Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), việc sửa đổi luật Đường sắt là cần thiết do quy định cũ đã lỗi thời, ngành đường sắt hiện đã quá lạc hậu, trì trệ, khả năng kết nối với các loại hình giao thông khác còn nhiều tồn tại. ĐB Thường kiến nghị vấn đề định hướng phát triển đường sắt, đường sắt cao tốc là những vấn đề cần được xác định rõ trong thời gian tới.
Về vấn đề quản lý và kinh doanh, ĐB Thường cho rằng toàn bộ phần kết cấu hạ tầng đường sắt nên giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải từ đường ray, cần nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, huy động vốn tư nhân. Chia sẻ quan điểm này, ĐB Lê Quang Huy (Nghệ An) cho rằng cần tách bạch được cơ quan quản lý với cơ quan kinh doanh vận tải để thể hiện được tính cạnh tranh.
|
Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh quan điểm phải tách bạch hạ tầng và vận tải. Theo Bộ trưởng, hiện nay, đường sắt đang trong tình trạng “độc canh” tức một đơn vị quản lý tất cả. “Hướng của Bộ GTVT là tách bạch rõ hạ tầng riêng, vận tải riêng”, Bộ trưởng cho biết. Bộ trưởng GTVT cũng khẳng định trong 5 năm tới, ngoài việc củng cố nâng cao năng lực vận chuyển của đường sắt cũ, ngành sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao. Theo Bộ trưởng Nghĩa, để phát triển, ngành đường sắt phải thoát được tư tưởng trông chờ bao cấp. “Đường sắt hiện nay chỉ dùng tiền ngân sách trong nâng cấp, vận hành. Các khoản vay là vô cùng thấp. Nếu không thay đổi điều này, đường sắt rất khó phát triển”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Nghĩa cho biết VN chọn tốc độ 160 - 200 km/giờ là hợp lý vì vừa duy trì được cả công năng vận tải và hàng hóa. Nếu trên 200 km/giờ chỉ phục vụ vận tải hành khách. “Để đầu tư đường cao tốc bắc - nam mất khoảng 10 tỉ USD, còn đầu tư đường sắt tốc độ cao cần không dưới 40 tỉ USD. Đây là một con số rất lớn và vô cùng khó khăn cho chúng ta”, Bộ trưởng GTVT giải thích.
Ngăn chặn công nghệ lạc hậu
Cùng ngày thảo luận ở tổ về dự án luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, nhiều ĐB cho rằng phải có những quy định chặt chẽ tránh việc nước ngoài lợi dụng kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào VN. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, dự luật cần quy định để cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ có thể kiểm soát được vào quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào. Lấy ví dụ về vụ Formosa, ông Dũng nhận định dù đây là tập đoàn công nghệ cao nhưng nếu quản lý nhà nước và các quy định pháp luật không chặt chẽ thì có thể họ lách, đưa công nghệ không phù hợp vào.
“Tập đoàn lớn họ cũng nói đưa công nghệ cao vào, nhưng thực tế họ đã đánh tráo công nghệ và trình độ công nghệ ngay từ khái niệm ban đầu. Cho nên luật phải đưa ra quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ để có thể kiểm tra được, làm sao nước ngoài không lợi dụng kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào”, ông Dũng nhấn mạnh.
|
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị luật cũng cần quy định chặt chẽ về thẩm định, trách nhiệm thẩm định công nghệ hiện vẫn rất sơ hở. “Phải quy định rất rõ trách nhiệm của hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định nếu phát hiện thẩm định sai thì phải liên đới trách nhiệm, kể cả tính chuyện xử lý trách nhiệm hình sự, tránh tình trạng nhập thiết bị tỉ đô, gây lãng phí thất thoát cho nhà nước”, ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.
Mở rộng trách nhiệm bồi thường
Thảo luận dự án luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) chiều 11.11, các đại biểu đề nghị luật phải tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho người bị thiệt hại. Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác khi để xảy ra oan sai, không chỉ riêng tòa án. Trước đó, theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo tổng kết 6 năm thi hành luật, các cơ quan thụ lý 258 vụ việc, đã giải quyết xong 204 vụ việc. Riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, ghi nhận trong 3 năm (từ tháng 10.2011 - 9.2014) còn có 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết.
Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), người dân vẫn còn cảm thấy day dứt và nhiều khúc mắc về quá trình giải quyết bồi thường. “Ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh mang bản án oan suốt 45 năm trời, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận cùng lúc chịu 2 bản án oan, ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang ngồi tù oan suốt 10 năm... được minh oan cho thấy thái độ cầu thị, tích cực của các cơ quan giải quyết. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều về cơ chế pháp luật dẫn tới giải quyết, đền bù oan sai trong một số vụ còn đáng suy nghĩ”, ĐB Thủy góp ý.
Chia sẻ quan điểm phải mở rộng trách nhiệm bồi thường, theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, ông Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bắt giam 2 tháng, viện kiểm sát khởi tố bắt giam tiếp 2 tháng, tòa án tuyên án phạt chung thân, sau này xác định ông bị oan. “Theo quy định của dự thảo, chỉ tòa án đứng ra chịu trách nhiệm, bồi thường là quá hẹp. Tất cả các cơ quan nào góp phần vào quá trình làm oan sai thì phải có trách nhiệm và bồi thường. Đó là cách để chúng ta hướng tới một nền tư pháp không oan sai, để người dân không mất niềm tin”, ĐB Thủy đề xuất.
Ngoài ra, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) góp ý, dự thảo chưa thể hiện được một số tinh thần của bộ luật Dân sự, nhiều trường hợp nhà nước không thực thi trực tiếp công vụ nhưng gián tiếp gây ra hậu quả thì cũng phải bồi thường. “Trên thực tế có trường hợp người dân thiệt mạng hoặc tàn tật do công tác quản lý đô thị yếu kém như người đi đường bị sập hố ga, trẻ em bị cuốn vào cống thoát nước, cây đổ đè chết người... không do hoạt động của người thi hành công vụ nhưng là quản lý của nhà nước nên cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công dân, trừ trường hợp người bị thiệt hại có lỗi hay do người khác gây ra”, ĐB Nhưỡng nói.
Để người dân không gặp khó khăn khi bồi thường, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị bổ sung hành vi: Cấm trì hoãn kéo dài không có lý do chính đáng việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của công dân. Bởi trên thực tế có nhiều vụ án, cơ quan có trách nhiệm trì hoãn kéo dài, công dân đi khiếu kiện từ cơ quan này đến cơ quan khác, từ cấp dưới lên cấp trên.
Tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng từ 1.7.2017
Chiều 11.11, với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2017.
Quốc hội quyết định bội chi ngân sách năm 2017 là hơn 178.000 tỉ đồng (chiếm 3,5% GDP), trong đó tổng thu 1.212.180 tỉ đồng, tổng chi 1.390.480 tỉ đồng. Giao Chính phủ từ năm 2017, nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, phí đảm bảo hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được phản ánh trong thu cân đối ngân sách nhà nước, sử dụng để duy tu bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải.
Điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách T.Ư. Từ năm 2018, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sẽ xác định lại cơ chế theo quy định của pháp luật. Thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2017; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn dầu khí đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tại nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thông qua, Quốc hội quyết định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thời gian kéo dài từ 1.1.2017 - 31.12.2020.
Anh Vũ
|
Bình luận (0)