'Ém' số người chết vụ sập hầm vàng

Một cán bộ công tác tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn xác nhận với Thanh Niên đến chiều qua ủy ban này không được báo cáo gì về sự cố nghiêm trọng.

Liên quan vụ sập hầm khai thác tại mỏ vàng Mà Sa Phìn xảy ra vào ngày 19.8 ở xã Nậm Xây (H.Văn Bàn), đến hôm qua 24.8, chính quyền tỉnh Lào Cai mới công bố số người gặp nạn, nhưng số liệu cũng khác xa với thông tin hiện trường từ các nhân chứng.
Trong ngày hôm qua, đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đã ký công văn hỏa tốc gửi đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đề nghị xác minh, báo cáo diễn biến vụ sạt lở đất gây sập hầm ở mỏ vàng Mà Sa Phìn. Một cán bộ công tác tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn xác nhận với Thanh Niên đến chiều qua ủy ban này không được báo cáo gì về sự cố nghiêm trọng nói trên.


Trả lời Thanh Niên, ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, cho biết: Mỏ vàng ở xã Nậm Xây được chia làm 2 phần. Phần dưới có diện tích hơn 10 ha được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty CP Nhẫn từ năm 2011. Phần trên có diện tích khoảng 80 ha thì được Bộ TN-MT cấp phép khai thác cho Công ty CP khoáng sản 3. Nhưng từ đầu năm 2016, Công ty CP khoáng sản 3 đã chuyển luôn cho Công ty CP Nhẫn. Ông Dương cũng khẳng định không có chuyện khai thác trái phép trong mỏ vàng.

Trong khi đó, nhiều phu vàng may mắn sống sót trở về sau vụ sập hầm cho biết tình hình khai thác vàng trong mỏ rất bát nháo, chủ yếu theo lối thổ phỉ với hàng trăm phu vàng dựng lều lán ăn ở, ngày đêm chui hầm đào vàng diễn ra rất ngang nhiên và phổ biến. “Thời gian làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng cho tới 6 giờ chiều. Mỗi ngày chúng tôi được trả lương 130.000 đồng và cơm nuôi 3 bữa. Bãi tôi làm không có giấy phép, do vậy chủ tìm cách bắt ép chúng tôi ở lại khai thác càng lâu càng tốt, bằng cách 3 tháng lĩnh lương một lần. Ai bỏ về sớm thì coi như mất trắng tiền công”, anh Giàng A Mai (ngụ xã Nậm Xây), người có hơn một tháng làm ở mỏ vàng kể. Anh Mai nhớ lại: “Từ hôm 20.8 đến giờ, người chết khiêng ra nhiều lắm rồi mà vẫn còn. Ít nhất phải là mười mấy người chết được khiêng ra rồi, chứ không phải 7 người như thông báo đâu. Giờ trên bãi vàng vẫn còn nhiều xác người bị đất đá vùi lấp, phải đào bới nhiều ngày mới thấy”.
Anh Giàng A Nam (ngụ xã Nậm Xây), người được thuê để vào hiện trường sập hầm đưa nạn nhân ra ngoài, cho biết: Đội của anh gồm 10 người được một công ty thuê khiêng thi thể nạn nhân ra ngoài. Công ty này trả giá 30 triệu đồng/thi thể. Còn những người bị thương, được cõng ra ngoài đường lớn với giá 10 triệu đồng/người. Suốt từ hôm hầm vàng bị sập cho tới cuối ngày 23.8, đội của anh Nam đã khiêng được 12 thi thể ra ngoài.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong ngày 24.8, tại khu vực mỏ vàng không có mưa, nước ở sông và các suối đã rút bớt. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở vẫn ở mức cao, con đường độc đạo dẫn vào vô cùng khó đi. Chiếc cầu duy nhất nối qua khúc sông Nà Đoong bị nước lũ phá hỏng, người dân phải lập tạm cầu tre, nên các phương tiện không thể lưu thông qua.
Trong khi báo cáo chính thức của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết tính đến hết ngày 23.8 có 7 người thiệt mạng và 1 người mất tích, thì tại xã Bằng Vân (H.Ngân Sơn, Bắc Kạn), ông Nông Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã xác nhận tại xã ông có thêm 2 nạn nhân thiệt mạng tại bãi vàng Mà Sa Phìn là đôi vợ chồng anh Chu Đình Ngao và người vợ tên Chiến. Thi thể anh Ngao đã được đưa về mai táng tại quê nhà, còn thi thể của chị Chiến vẫn chưa tìm thấy.
Đến chiều qua, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết công tác cứu hộ, cứu nạn và xác định nạn nhân vẫn đang được tiếp tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.