Gần 1.700 ha đất rừng 'biến mất' trước mũi các ban quản lý

06/07/2016 10:12 GMT+7

Gần 1.700 ha đất rừng của hai Ban quản lý rừng phòng hộ ở An Khê (Gia Lai) đã bị lấn chiếm nhưng chưa bị xử lý, thu hồi đất.

Ngày 6.7, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết: “Liên quan đến việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn thị xã, chúng tôi đã có báo trình Ban thường vụ thị ủy và xem xét xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm”.

Hai ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội  và bắc An Khê được UBND tỉnh Gia Lai giao quản lý tổng cộng hơn 14,3 ngàn ha rừng, đất rừng. Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân đã ngang nhiên lấn chiếm đất để sử dụng nhưng không hề bị phát hiện, xử lý.

Nhiều diện tích đất rừng bị chiếm đã được trồng rừng Ảnh: Trần Hiếu

Từ năm 2008 đến nay, hàng trăm người dân ở địa bàn các xã như Song An, Cửu An, Xuân An  đã lấn chiếm đất rừng, canh tác trái phép. Diện tích rừng mà UBND tỉnh Gia Lai giao cho các ban quản lý sụt dần trong thời gian qua. Sự bất lực trong công tác quản lý, bảo vệ thể hiện rõ khi họ không hề có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ bắc An Khê, hiện ban này chỉ còn quản lý 278,08 ha rừng và đất rừng. Trong khi đó, dân lấn chiếm hơn 1.100 ha đất để sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Có 373 hộ dân đã cùng nhau chiếm diện tích đất trên. Điều phi lý là trong khoảng thời gian các năm 2003 - 2010 đã có hơn 590 ha đất rừng bị chiếm nhưng không xác định được đối tượng.

Thực trạng lấn chiếm đất rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội cũng chẳng khá hơn. Diện tích rừng và đất rừng của ban này đang thực sự quản lý và bị dân chiếm là...tương đương nhau. Cụ thể, ban này hiện quản lý hơn 615ha trong khi diện tích đất bị chiếm là hơn 686 ha.

Báo cáo của UBND thị xã An Khê thừa nhận: “Tình hình lấn chiếm đất trồng rừng, chặt phá rừng diễn ra khá phổ biến trên địa bàn trong thời gian qua. Trên một số xã có rừng như Song An, Cửu An, Tú An.....Một số tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau đã chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật diện tích đất rừng với hơn 1.000ha trong một thời gian dài, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.

Rừng cũng bị đốn để chiếm đất Ảnh: Trần Hiếu

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình vi phạm có chiều hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều đối tượng đã ngang nhiên đập phá các công trình quản lý bảo vệ rừng, sử dụng thuốc diệt cỏ, tổ chức chặt phá, nhổ cây con mới trồng hay “ken” chết cây để chiếm đất hoặc lôi kéo đông người để uy hiếp, lăng mạ, cản trở, chống đối các lực lượng thực thi công vụ. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xử lý nhưng hiệu lực, hiệu quả không cao”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “Để xảy ra thực trạng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng. Chúng tôi sẽ tiến hành thành lập đoàn kiểm tra về thực trạng này để xử lý theo quy định của pháp luật; thu hồi đất trả lại cho nhà nước. Các ban quản lý và các xã có rừng, đất rừng cần phối hợp chặt chẽ để trong xử lý vụ việc”.


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.