Gia tăng tình trạng đe dọa, hành hung nhà báo khi tác nghiệp

08/08/2017 20:15 GMT+7

Ngày 8.8, tại Quảng Ngãi, Tạp chí Người làm báo phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo”.

Cuộc hội thảo thu hút gần 200 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam công tác tại các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khu vực miền Trung- Tây nguyên.

Theo PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, dù tác nghiệp đúng quy định của pháp luật nhưng thời gian gần đây, không ít nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ liên quan chống tiêu cực.

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, tình trạng hành hung, cản trở phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp đang có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất, thậm chí các hành vi cản trở mang tính trả thù, cảnh cáo còn nhằm vào thân nhân các nhà báo cho thấy tình trạng “coi thường hoạt động báo chí” cũng như các quy định của pháp luật nói chung đã đến mức đáng báo động.

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp.

Nhà báo Ngọc Thành, Thư ký Ban biên tập Tạp chí Người làm báo, cho rằng tình trạng cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên tác nghiệp hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, khi xử lý sự việc, một số cơ quan chức năng lại thờ ơ, vào cuộc một cách đối phó, nhiều vụ việc đã xảy ra nhưng chưa được làm sáng tỏ khiến “chìm xuồng”, rơi dần vào quên lãng.

“Trên thực tế, nhiều vụ hành hung người làm báo bị xử lý rất ít và thường nghiêng về các biện pháp hành chính, mức xử lý đưa ra còn quá nhẹ hoặc giải quyết không thỏa đáng, không đủ sức răn đe. Thậm chí, một số địa phương còn thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm hoặc làm cho qua chuyện. Có những vụ việc, cho đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam chưa nhận được hồi âm dù đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc yêu cầu điều tra vụ việc”, nhà báo Ngọc Thành bức xúc.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một cách hệ thống, kỹ lưỡng và thẳng thắn nhằm tìm ra giải pháp để có thể nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, làm rõ hơn một số vấn đề xung quanh hoạt động tác nghiệp tại điểm “nóng” của nhà báo, đồng thời nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực và trách nhiệm của nhà báo, những người quản lý báo chí, các cấp hội và hội viên ở các cơ quan báo chí. Trong đó, các đại biểu đều cho rằng cơ quan chức năng cần xây dựng một chế tài xử lý riêng đủ mạnh để xử lý nghiêm minh những hành động cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp.

Ngoài ra, bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, phương pháp tác nghiệp chuẩn mực, tuân thủ các quy định của pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, cái tâm trong sáng, hướng tới lợi ích của đất nước, của nhân dân, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.