Ngày 12.8, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm liên quan đến một vụ giết người, cũng vì xuất phát từ việc va quẹt giao thông nhưng lại không giải quyết ổn thỏa. Theo đó, vào khoảng 22 giờ ngày 3.6.2013, Phạm Văn Công chạy xe máy chở Tùng và Bậu chở Đinh Công Thế Huynh lưu thông trên đường Nguyễn Văn Nghi (Q. Gò Vấp). Khi đến trước nhà 108 Nguyễn Văn Nghi, xe của Công va quẹt với Lê Minh Nhựt đang đi bộ qua đường. Nhựt xin lỗi nhưng nhóm của Công không đồng ý và chửi mắng người này.
Thấy vậy, chủ quán cơm nơi Nhựt làm thuê là ông Thuận cùng ông Tài ra xin lỗi và ngỏ ý bồi thường. Tuy nhiên, nhóm Công không đồng ý, rồi xông vào đánh Nhựt khiến người này phải bỏ chạy vào nhà. Thấy có đánh nhau, Lê Văn Thành (35 tuổi, bảo vệ chợ Gò Vấp) đến can ngăn và nói đã báo công an. Nghe vậy, Công, Tùng, Bậu, Huynh liền xông vào đánh Thành. Bị đánh, Thành liền bỏ chạy vào quán cơm của ông Thuận và lấy cây sắt gắp than quay ra chống trả.
Cũng lúc đó, Trương Hoàng Nam (28 tuổi, con trai ông Thuận) lấy vỉ nướng thịt đánh vào đầu Huynh. Sau đó, Huynh toan bỏ chạy thì Nam tiếp tục ném vĩ sắt vào người Huynh, khiến người này ngã xuống đường. Thấy Huynh bị thương, nhóm của Huynh đưa bạn đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do bị thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong.
TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Hoàng Nam mức án 5 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”; Lê Văn Thành 2 năm tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Trước đó, TAND TP.HCM cũng mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” xảy ra trên địa bàn Q.9 vào chiều ngày 28.12.2014. Hung thủ trong vụ án này là bị cáo Nguyễn Duy Khánh (22 tuổi, ngụ Hậu Giang).
Theo cáo trạng, vào chiều 28.12.2014, Nguyễn Duy Kha (19 tuổi) và một người bạn điều khiển xe máy lưu thông trên đường Lê Văn Việt (Q.9). Khi đến trước cổng Trường Trần Quốc Toản, xe của Kha có va chạm với xe của Thịnh. Sau khi xảy ra va chạm xe, Thịnh nghĩ rằng Kha và bạn của Kha đuổi theo đánh mình, nên chạy xe vào một nhà người quen tại tiệm rửa xe ở P.Tăng Nhơn Phú A (Q.9) và kể lại sự việc.
Bị cáo Nguyễn Duy Khánh (22 tuổi, ngụ Hậu Giang) tại phiên tòa xét xử sau khi ra tay đoạt mạng người
|
Khi Kha và bạn mình chạy xe máy đến gần tiệm rửa xe Đ.H, thì thấy có nhóm người chỉ tay về phía mình. Sợ bị đánh, Kha về phòng trọ kể chuyện lại với một người bạn và người này nhận sẽ hòa giải giúp Kha. Tuy nhiên, khi Kha và 2 người bạn đến quán sửa xe thì bị nhóm người trong quán xông ra đánh.
Lúc này, Nguyễn Duy Khánh (anh trai ruột của Kha) nghe tin liền mang theo dao đến hiện trường. Tại đây, Khánh nhặt thêm một ống tuýp sắt, xông vào giữa nhóm người đánh em trai mình đâm chém tới tấp. Trong lúc hỗn chiến, Khánh đâm nhiều nhát dao vào người anh Trần Hòa B., khiến anh B. bị thương nặng và nhiều người khác bị thương. Dù người dân đưa B. đi cấp cứu, nhưng 3 ngày sau anh B. đã tử vong. Bản thân Khánh cũng bị thương tích 25%.
Lực lượng chức năng dẫn bị cáo Khánh về trại giam tiếp tực chờ ngày xét xử
Qua cách hành xử khi tham gia giao thông của người dân, thông qua những vụ việc tương tự như trên, thạc sĩ (Th.s) Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam nhận định: “Cách ứng xử khi tham gia giao thông nói riêng và tất cả các hoạt động khác nói chung phụ thuộc rất lớn từ nền tảng văn hóa của mỗi người. Điều này cần được hình thành từ khi còn rất nhỏ, thông qua cách giáo dục từ phía gia đình và nhà trường. Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào môi trường mà chúng ta sinh sống cũng như các hoạt động và giao tiếp của mỗi cá nhân”.
Th.s Đào Lê Hòa An còn cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến “án mạng” chỉ vì thiếu văn hóa trong cách ứng xử khi tham gia giao thông là do chúng ta chưa có một lớp học hướng dẫn một cách bài bản về cách ứng xử khi bị va quẹt xe. Việc thi lấy bằng lái xe cũng đơn giản là học các văn bản luật khô cứng; không có những tình huống ứng xử giao tiếp thực tế với những trường hợp có thể gặp phải trên đường.
|
Bình luận (0)