Bão số 10, tên quốc tế Doksuri được đánh giá là mạnh nhất trong vài năm trở lại đây, với cấp độ thiên tai là cấp 4, dự báo đổ bộ vào miền Trung vào trưa hoặc chiều ngày 15.9.
Để đối phó với cơn bão, bắt đầu từ sáng sớm nay 14.9, người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã gia cố lại nhà cửa và di chuyển chuyển tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Tại Hà Tĩnh, trong sáng 14.9, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh ra lệnh cho các địa phương và đơn vị huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn. Thời gian sơ tán dân xong trước 17 giờ chiều nay. Số lượng dân phải sơ tán 10.928 hộ/47.400 người.
|
Tại Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), hàng trăm chiếc tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ cũng đã vào nơi neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền của cảng cá này.
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho hay, tính đến 10 giờ ngày 14.9, tại khu neo đậu tránh trú bão tại Cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà) có 261 tàu (210 tàu nội tỉnh và 51 tàu ngoại tỉnh); Cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) có 67 tàu và tại Cảng cá Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) có 154 tàu.
|
Từ sáng sớm, loa truyền thanh tại nhiều xã thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phát thông báo cho người dân chuẩn bị di dời ngay trong chiều nay. Hiện các hồ đập trên địa bàn đang được xả lũ để đảm bảo an toàn khi cơn bão số 10 đổ bộ. Từ sáng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh trời bắt đầu đổ mưa lớn. Công tác phòng chống cơn bão số 10 được lãnh đạo tỉnh và các huyện quán triệt tại các cuộc họp từ ngày 13.9, nên được người dân thực hiện gấp gáp.
|
Anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, từ sáng 14.9, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thành lập 3 tổ công tác xuống cơ sở chỉ đạo đoàn thanh niên giúp nhân chống bão; 100% Đoàn xã, phường, thị trấn huy động hơn 3.000 đoàn viên thanh niên tham gia giúp dân gặt lúa, chằng chống nhà cửa, bảo vệ cây trồng (đặc biệt là các loại cây ăn quả); neo đậu thuyền về nơi an toàn; kiểm tra các mô hình kinh tế của thanh niên, giúp các hộ dân thu hoạch lúa còn lại trên địa bàn.
|
Tại Nghệ An, từ sáng sớm cùng ngày, người dân ven biển thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã hối hả chạy đua với trời những cơn mưa kéo dài để chăng chống nhà cửa. Các cửa hàng, ki ốt dọc bãi biển Cửa Lò cũng đã phải tạm dừng buôn bán để chằng chống, sơ tán đồ đạc.
|
Ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, cho biết đến 7 giờ sáng cùng ngày, địa phương này đã thực hiện lệnh cấm biển, yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dọc bãi biển khẩn trương chằng chống nhà cửa, ki ốt và phải rời khỏi các ki ốt trước 10 giờ tối 14.9. “Chiều nay sẽ có đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương để xem xét ở các vùng trọng yếu để có phương án di dời người dân”, ông Dũng nói.
|
Lo sợ bão mạnh có thể giật bay mọi thứ, nhiều chủ cửa hàng ven bãi biển này đã sử dụng hàng trăm bao cát, dây thừng để chằng chống các ki ốt. Thậm chí, nhiều người còn thuê máy tháo dỡ cả các biển quảng cáo, mái tôn đem vào nhà.
“Nhiều năm rồi không có cơn bão nào mạnh đổ vào Nghệ An nên chúng tôi cũng hơi chủ quan. Vì thế mà bão số 2 đã khiến cửa hàng của tôi bị gió thổi bay hết. Nghe nói mai bão mới vào, nhưng từ sớm tôi đã dừng buôn bán để gia cố và chằng chống lại nhà”, ông Nguyễn Khắc (trú khối 2, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) cho biết.
tin liên quan
Bão số 10 dự kiến đổ bộ từ Nam Định đến Quảng BìnhChưa có dấu hiệu cho thấy cơn bão số 10 (tên quốc tế là bão Doksuri) sẽ yếu. Dự báo, cơn bão này sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Nam Định đến Quảng Bình.
Bình luận (0)