Hai đại dự án metro vỡ kế hoạch: 'Thiếu kinh nghiệm' nên đội vốn

14/09/2017 08:52 GMT+7

Năm 2006, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được lên kế hoạch với tổng mức đầu tư dự toán là 17.000 tỉ đồng. Tuy nhiên sau 2 năm, con số này đã được điều chỉnh lên 47.000 tỉ đồng (tăng 87%).

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, BQL đường sắt đô thị TP.HCM, lý giải vào thời điểm 2006, việc thực hiện các tuyến đường sắt đô thị như metro còn rất mới mẻ, dự án được lên kế hoạch với sự tham gia chủ yếu của các công ty tư vấn trong nước còn thiếu kinh nghiệm nên tổng mức đầu tư tính toán không chính xác.

tin liên quan

Hai đại dự án metro vỡ kế hoạch
Tuyến metro số 1 còn đang khốn khổ vì thiếu vốn, TP.HCM lại mới xin gia hạn thực hiện dự án metro tuyến số 2 khiến bức tranh đường sắt đô thị trên cao của TP ngày càng trở nên xa vời.
Đến năm 2008, TP đã chủ động mời các tập đoàn tư vấn uy tín từ nước ngoài tham gia nghiên cứu mới có những nghiên cứu chính xác, đầy đủ hơn về kích thước nhà ga, hướng tuyến, công nghệ, toa tàu... Do vậy, tổng mức đầu tư phải thay đổi lên 47.000 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư mới này đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt vào năm 2011. Phía nhà tài trợ Nhật Bản cũng đã đồng ý. Từ đó đến nay chưa có sự điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Tổng vốn đầu tư tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đội gần 50% vốn so với kế hoạch ban đầu, từ 1,3 tỉ USD lên 2,19 tỉ USD. Trong đó, 3 khoản chi phí tăng mạnh nhất tại dự án này là bồi thường giải phóng mặt bằng tăng từ 119,38 triệu USD lên 197,88 triệu USD; xây lắp và mua sắm từ 748,11 lên 1.198 tỉ đồng; chi phí dự phòng tăng từ 263 triệu USD lên 368 triệu USD.
Theo báo cáo của BQL đường sắt đô thị gửi UBND TP.HCM vào năm 2011, tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu euro. Tuy nhiên, với con số 1,563 tỉ euro như hiện nay, tổng mức đầu tư dự án đã cao hơn tới 87%.
Đại diện BQL đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng đây không phải tình trạng đội vốn vì con số 833 triệu euro đưa ra thời điểm ấy chỉ là ước tính, chưa phải kế hoạch chi tiết cụ thể. Khi đó, có một số thiết kế được đặt trên cao chứ không phải dưới ngầm như thiết kế hiện nay. Sau đó, dự án đã được giao cho phía tư vấn Tây Ban Nha làm lại, tính toán kỹ lưỡng, thuê cả tư vấn thẩm tra của Hà Lan thẩm định.
Các nhà tài trợ cũng chủ động “gom” tất cả các kinh nghiệm, từ việc trượt giá tại các công trình metro số 1, số 2 trước đó để đưa ra con số 1,563 tỉ euro.
Chuyên gia Phạm Sanh: Trượt giá là bài toán ngay lập tức phải tìm lời giải đối với các dự án hạ tầng tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Chúng ta chạy theo công nghệ nhưng lại không nắm được công nghệ, không tính toán được thiết bị, lúng túng trong kiểm soát đầu tư xây dựng nên trượt giá là điều không thể tránh khỏi.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, cho rằng TP.HCM muốn phát triển hệ thống metro thì phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Không thể chỉ làm cho xong các tuyến được hỗ trợ vay vốn ODA, phải kết hợp phát triển đường sắt song song với phát triển đô thị. Tận dụng các nguồn kinh tế có sẵn như quỹ đất dọc tuyến để lấy chi phí xây dựng tiếp thành một mạng lưới metro rộng khắp. Đây là mô hình mà các thành phố khác trên thế giới đã triển khai thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.