Hãi hùng bì heo bẩn

Bì heo là món khoái khẩu của không ít người dân Sài Gòn. Thế nhưng, trong khi nhiều cơ sở chế biến bì heo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thì cũng có không ít cơ sở chế biến theo kiểu ai thấy đều hãi hùng.

Vào dịp tết, “thủ phủ” chế biến bì heo bẩn ở Q.6 (TP.HCM) hoạt động hết công suất vẫn không đủ hàng cung cấp cho mối lái các chợ trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh, thành khác.
Đột nhập “thủ phủ” bì heo
Vào những ngày cuối năm 2016, trong vai bán vé số, sinh viên thuê trọ, thương lái bì heo, PV Thanh Niên xâm nhập nhiều cơ sở chế biến bì heo ở hẻm 357, 365, 385, 405 trên đường Hậu Giang (P.11, Q.6) - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” chế biến bì heo cung cấp cho các quán cơm, quán nhậu, tiệm bánh mì, cơ sở làm nem… khắp TP.HCM. Hằng ngày, da heo thu mua (từ các chợ trong thành phố) được tập kết về đây tầm khoảng từ 8 giờ đến gần trưa. Sau đó, ở các cơ sở, họ dùng dao lóc thành 2 phần: phần da đem luộc, cắt thành sợi, phơi khô hoặc bỏ vào máy giặt quay cho ráo nước, chế biến, rồi giao cho các cơ sở bán cơm tấm, tiệm bánh mì, quán nhậu, cơ sở làm nem…; còn phần mỡ thì sử dụng làm tóp mỡ, dầu ăn. Mỗi ngày, khu vực này tung ra thị trường hàng tấn bì heo.
Da heo được tập kết về “thủ phủ” chế biến bì heo ở Q.6
Sáng 31.12.2016, một chiếc xe bán tải BS 51C-34... nằm án ngữ trước hẻm 405 Hậu Giang. Cứ tầm 20 - 25 phút lại có người mang xe đẩy từ trong các hẻm gần đó ra gom bì heo. Lúc 8 giờ 40 cùng ngày, một thanh niên đẩy xe từ trong hẻm 365 ra mở cửa sau xe tải. Bên trong thùng xe là hàng đống da heo, được chia thành từng bịch. Bất kể người qua lại, người này chân trần nhảy luôn vào bên trong xe, giẫm loạn xạ lên đống da heo, chân tay bóng loáng vì bị mỡ bám. Trong lúc vận chuyển, nhiều miếng da heo rớt vương vãi dưới đất, người này thản nhiên ngồi xuống nhặt và bỏ chung luôn với những bịch da heo khác, tiếp tục đẩy vào bên trong “thủ phủ”. Chúng tôi lân la hỏi: “Da heo gom chi nhiều vậy anh?”. Anh này bảo: “Cái này làm bì heo cơm tấm mà ông ăn hằng ngày đó. Ở đây tụi tôi làm bán ở Sài Gòn và cả mấy tỉnh miền Tây”.
Chó chạy, giẫm trên bì heo phơi khô
Theo chân người này, đi vào bên trong hẻm 365 và 385 chúng tôi gặp rất nhiều cơ sở làm bì heo. “Ở khu vực này có hàng chục nhà làm bì, không phải công ty lớn nhưng mỗi ngày cung cấp hàng tấn bì heo ra thị trường, cơ sở nhỏ nhất cũng cho ra lò 100 kg bì heo/ngày. Dĩ nhiên, nhiều cơ sở không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định nhưng họ làm “chui”, vì nghề của họ không thể bỏ, bỏ lấy gì sống”, bà D. (ngụ hẻm 385 Hậu Giang, Q.6) cho biết. Cũng chính vì thế, khi có người lạ xuất hiện, các cơ sở này rất cảnh giác, nên chúng tôi phải hóa trang xâm nhập, ghi hình...
Ruồi bu, chó đạp
Từ số da heo được thu gom, giẫm đạp, các chủ cơ sở bắt đầu đem da heo đi rửa sơ rồi luộc, sau đó vớt ra cho “ngậm” hóa chất tẩy trắng trước khi cắt thành sợi và phơi khô. Tại 3 căn nhà ở cuối hẻm 365, chúng tôi thấy nhiều đống da heo to đùng nằm dưới nền nhà, lề đường mà không trải bạt, che chắn. Thậm chí, ống kính camera của chúng tôi còn ghi hình nhiều trường hợp thợ mang luôn cả dép giẫm lên bì heo, lúc ngồi thái da heo thành sợi. Trưa 29.12.2016, tại một cơ sở chế biến bì heo (diện tích 2 x 7 m), chúng tôi chứng kiến cảnh chủ cơ sở vừa luộc da heo xong vắt ngang trên yên xe gắn máy, 1 bịch nằm gần bãi rác phía trước nhà, 1 bịch nằm dưới sàn nhà rất mất vệ sinh.
Nhưng công đoạn phơi khô là kinh hoàng nhất. Nơi phơi bì heo là mặt bằng các đường, hẻm lớn, nhỏ trong khu vực này. Bì heo được bỏ trên những tấm bạt cũ kỹ, ám bụi, phơi giữa lề đường, nơi có đông đúc phương tiện xe cộ qua lại; có nơi còn phơi ngay cạnh đống rác lớn, ruồi nhặng bay vo ve. Khi thu gom, những người đàn ông mang dép vô tư giẫm đạp lên sợi bì, sau đó dùng tay trần bốc bì khô bỏ vào bao cột lại, đem về chở đi bỏ mối cho khách hàng. Có lúc, nơi phơi bì heo còn là sân chơi “nô đùa” và là “nhà vệ sinh” của những chú chó ở gần đó.

tin liên quan

Bì lợn thối thành đặc sản
Những ngày này, các lò chế biến bóng bì lợn truyền thống hoạt động hết công suất để có đủ hàng cung cấp cho thị trường tết. PV Thanh Niên đã thâm nhập vào nhiều lò và rùng mình khi chứng kiến cảnh mất vệ sinh, thậm chí sử dụng cả hóa chất cực độc để chế biến.
Trưa 31.12.2016, một đoạn lề đường khá dài sát chung cư Lò Gốm được tận dụng trải bạt phơi bì heo, bên cạnh là bãi rác to đùng của chợ Lò Gốm, ruồi bu, chó chạy qua lại, rác theo gió vung vãi trộn lẫn với bì heo. Thấy chúng tôi hỏi, một người phụ nữ nơi đây xác nhận: “Đây là bì heo của các cơ sở chế biến đem ra phơi. Chứng kiến cảnh mất vệ sinh này, từ lâu tôi không dám ăn bì heo”.
Bì vàng là hàng ngâm ít hóa chất, còn bì trắng ngâm nhiều hóa chất. Người ta thích mẫu mã đẹp nên hay đặt bì trắng chứ làm cái đó hơn có chút tiền mà phải tẩy qua nhiều công đoạn, cực lắm
T., chủ một cơ sở làm bì heo ở P.11, Q.6

“Ngậm” hóa chất
Ngày 2.1, trong vai một người cần mua số lượng lớn bì heo, chúng tôi tìm đến một số cơ sở ở “thủ phủ” này. “Bì heo ở đây bán bao nhiêu một ký vậy cô?”, chúng tôi hỏi. Bà T. (chủ một cơ sở làm bì heo ở P.11, Q.6) nói: “Bì khô hả? Mua nát hay không nát (nghĩa là mua có vụn hoặc chỉ mua cọng thôi - PV), hàng vụn giá 60.000 đồng/kg, còn không vụn 70.000 đồng/kg. Con lấy bì vàng hay bì trắng? Gần tết nên người ta đặt bì vàng nhiều hơn, còn bì trắng thì ít hơn. Nếu đặt số lượng lớn thì con phải cho cô vài ngày mới có hàng. Bì trắng giá 80.000 đồng/kg nhưng mua số lượng lớn, cô giảm cho 10.000 đồng/kg”.
Chúng tôi hỏi tiếp: “Như thế nào là bì trắng, bì vàng?”. Bà T. nhanh nhảu: “Bì vàng là hàng ngâm ít hóa chất, còn bì trắng ngâm nhiều hóa chất. Người ta thích mẫu mã đẹp nên hay đặt bì trắng chứ làm cái đó hơn có chút tiền mà phải tẩy qua nhiều công đoạn, cực lắm”. Nói xong, bà T. vào nhà mang hàng ra giới thiệu chúng tôi bì heo đã cắt thành sợi.
Chúng tôi hỏi: “Mấy cái này có tẩy trắng không cô?”. Bà T. khẳng định: “Đương nhiên là có hóa chất rồi, nếu không có thì sao bì trắng như vậy được”. “Vậy mình ngâm cái gì vậy cô?”, chúng tôi hỏi thì bà T. tiết lộ: “Thì ngâm ô xy già đó. Làm cái đó chừng mấy ngày là tay mình bị khô, nứt nẻ hết”.
Tiếp tục đến hỏi mua bì heo ở một cơ sở khác gần đó thì cách thức chế biến, giá cả cũng giống như chỗ bà T. “Theo nhu cầu từng loại mà ngâm ít hay nhiều. Ví như bì heo khô làm nem thì ngâm nhiều hơn, còn bì heo dùng trong cơm tấm (bì heo ướt - PV) thì ít hơn”, một người làm bì heo khẳng định và cho biết thêm: “Bì heo cơm tấm là loại bì của các con heo còn non nên mình ngâm ô xy già sơ qua thôi, còn bì heo làm nem thường là bì của các heo nái, mình ngâm nhiều để sợi bì trắng và giòn hơn”.
Bì heo phơi khô gần cống thoát nước, bãi rác 
Để kiểm chứng, chúng tôi lân la hỏi chuyện bà H. (hơn 80 tuổi, ở đây trước năm 1975, có con gái sản xuất bì heo), bà cũng khẳng định: “Tôi muốn ăn thì đặt vài ký ăn nhưng da phải màu vàng; chứ trắng quá thì không dám ăn do bỏ hóa chất. Bởi muốn bì da càng trắng thì ngâm ô xy già càng nhiều”. (Còn tiếp)
Trưa 8.1, PV Thanh Niên phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP.HCM, Phòng Kinh tế Q.6, Trạm thú y Q.6, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Q.6), Công an P.11 (Q.6) tiến hành kiểm tra hai cơ sở sản xuất bì heo tươi (số 365/26/7, 365/36/56 Hậu Giang, P.11, Q.6) và một cơ sở gia công cạo lông, tách mỡ (số 365/48 Hậu Giang, P.11, Q.6). Tại 3 địa điểm này, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 1 tấn bì heo thành phẩm, da heo (nguyên liệu), da heo luộc ngâm nước, bì sợi ngâm nước trắng tinh. Sau đó, cơ quan công an đã lấy 18 mẫu bì heo thành phẩm; da heo luộc, bì vừa được cắt sợi ngâm trong thùng nước - đây là công đoạn làm bì heo trắng tinh, để đem đi xét nghiệm của hai cơ sở sản xuất bì da heo nói trên; riêng da heo nguyên liệu phát hiện ở cơ sở gia công hoạt động không phép do không rõ nguồn gốc, cơ quan chức năng mang đi tiêu hủy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.