Hàng loạt nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cùng hoạt động, có ảnh hưởng môi trường biển?

19/09/2016 16:09 GMT+7

“Khi mà cả 4 nhà máy cùng lấy nước “làm mát”, có ảnh hưởng đến môi trường biển không?...”, ông Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề khi làm việc với tỉnh Bình Thuận về các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Sáng 19.9, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình đã có buổi làm việc với tập thể cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận về một số chuyên đề phát triển kinh tế.
Cùng tham dự buổi làm việc này còn có Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế TƯ Cao Đức Phát; đại diện lãnh đạo các bộ ngành TƯ.
Báo cáo với Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bình Thuận đã có tốc độ phát triển kinh tế khá. Trong vài năm trở lại đây, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông được chú trọng; RGDP (chỉ số tăng trưởng kinh tế địa phương) của tỉnh tăng trưởng trung bình hằng năm khá; đời sống của nông dân khấm khá. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Thuận chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Bình Thuận là một tỉnh phát triển chậm so với cả nước.
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng các bộ ngành TƯ cần giúp Bình Thuận quy hoạch về du lịch có tầm nhìn chiến lược. Ngoài ra, tiềm năng của Bình Thuận đang được các nhà đầu tư quan tâm là phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời). Đặc biệt, Bình Thuận đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường trong phát triển công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, các dự án nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (H.Tuy Phong) đã có đánh giá ĐTM cho từng nhà máy. Hiện nay ở đây có tới 5 dự án (4 nhà máy). Nếu sau này cùng đi vào hoạt động chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế cần có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho cả vùng. Ông Võ Tuấn Nhân cho rằng, sắp tới đây Bộ TN-MT và Bộ Công thương cùng các chuyên gia sẽ vào Bình Thuận phối hợp với tỉnh làm việc này.
Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế TƯ Cao Đức Phát lo ngại: “Biển Cà Ná (Ninh Thuận), Vĩnh Tân (Bình Thuận) là vùng biển giáp ranh sạch nhất VN. Nguồn tôm giống cung cấp cho cả nước từ đây. Đề nghị Bộ TN-MT quan tâm quy hoạch để gìn giữ môi trường vùng biển này”.
Về quy hoạch titan của Bình Thuận dọc theo ven biển trong đó có Mũi Né, ông Cao Đức Phát cho rằng “Bình Thuận không thể để quy hoạch chồng lên quy hoạch giữa titan và du lịch”.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Thế mạnh của Bình Thuận là du lịch biển. Tuy nhiên phải giữ vững tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó chú ý đến cây thanh long.
Về du lịch, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng Bình Thuận là vùng vành đai của TP.HCM, nên “phải có tầm nhìn quốc tế”. Quy hoạch các dự án du lịch phải từ hàng nghìn héc ta để thu hút các nhà đầu tư lớn. “Bây giờ hãy nói chào tạm biệt các resort nhỏ vì nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó”, ông Bình nói.
Về vấn đề môi trường ở các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, ông Nguyễn Văn Bình lưu ý đến công nghệ của các nhà máy nhiệt điện khi lấy nước trực tiếp từ biển vào nhà máy để “làm mát”.
“Khi mà cả 4 nhà máy cùng lấy nước “làm mát” như thế có ảnh hưởng đến môi trường biển không? Thế rồi xỉ than giải quyết thế nào, ảnh hưởng môi trường ra sao, ảnh hưởng du lịch ra sao?”, ông Bình đặt hàng loạt câu hỏi.
Ông Bình đồng ý với đề xuất của Bình Thuận là cần loại bớt quy hoạch titan, ưu tiên phát triển kinh tế du lịch. Trưởng ban kinh tế TƯ cũng đồng ý phải tăng giá điện từ nguồn điện gió để thu hút nhà đầu tư; sớm triển khai dự án sân bay Phan Thiết; đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và nên làm thí điểm các dự án điện mặt trời với quy mô vừa phải trước khi phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.