Hàng loạt vụ phi công, tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt vì buôn lậu trong 8 năm qua

17/04/2015 18:09 GMT+7

(TNO) Kể từ năm 2008 đến nay, không ít vụ tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị bắt vì hành vi buôn lậu.

(TNO) Kể từ năm 2008 đến nay, không ít vụ tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị bắt vì hành vi buôn lậu.

Tang vật trong vụ việc bị thu giữ tại Hàn Quốc hôm 15.4 - Ảnh: Chụp từ clip
Với mức thu nhập khá cao, nhưng một số phi công, tiếp viên hàng không Việt Nam được cho là lợi dụng đặc thù nghề nghiệp để buôn lậu, chuyển tiền bất hợp pháp kiếm lời.
Mới đây nhất là vụ cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (số bằng lái 29836) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị bắt giữ vì mang lậu 6 kg vàng (chia thành 6 miếng, được cho là trị giá khoảng 300.000 USD) vào Hàn Quốc vào ngày 10.3. Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) hôm 15.4 xác nhận thông tin này.
Hồi tháng 3.2014, cảnh sát Nhật Bản đã tạm giữ Nguyễn Bích Ngọc (25 tuổi), một nữ tiếp viên VNA bị tình nghi buôn lậu đồ ăn cắp, đồng thời đã khám xét văn phòng của hãng hàng không Vietnam Airlines tại Tokyo (Nhật Bản), trang tin Japan Daily Press (Nhật Bản) đưa tin ngày 26.3. Nhưng 22 ngày sau đó, Nhật Bản trả tự do cho cô Ngọc, không truy tố vì không đủ chứng cứ.
Vào ngày 22.9.2013, tiếp viên phó Bùi Ngọc Tuấn của VNA đã bị tạm giữ do “xách tay” 50 điện thoại di động iPhones 5S mà không khai báo hải quan.
Siêu mẫu Vĩnh Thụy vào cuối năm 2011 đã bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ về TP.HCM thông qua một số tiếp viên của VNA. Bị khởi tố cùng Vĩnh Thụy có tiếp viên Thái Anh Tiến, đoàn tiếp viên VNA. Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã xác định hơn 30 tiếp viên hàng không đã tham gia các phi vụ vận chuyển trên do Đỗ Thanh Lâm cầm đầu.
Một lãnh đạo VNA năm 2013 từng thừa nhận với Thanh Niên Online rằng mặc dù đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý với lực lượng tiếp viên, phi công nhưng hiện tượng buôn lậu, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Vị lãnh đạo này cho biết, với các hành vi trên khi bị phát hiện, hãng đều áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc như điều chuyển công tác, buộc thôi việc với các cá nhân vi phạm.
Năm 2012, cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện đường dây buôn lậu lớn có liên quan tới hàng chục tiếp viên hàng không - Ảnh: Lê Nga
Cuối năm 2008, phi công Đặng Xuân Hợp, cơ phó của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) trên chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật) đã bị Hải quan Nhật Bản tạm giữ điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép…
Trước đó, tháng 11.2008, VNA cũng đã buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt, người bị bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc. Dính líu đến đường dây rửa tiền này, một phi công khác của VNA là Trần Đình Đang cũng bị cơ quan an ninh Úc bắt tại sân bay do mang ngoại tệ vượt quá quy định (quá 10.000 USD). Phi công Trần Đình Đang cũng đã bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đô Úc về Việt Nam.
Giữa năm 2008, một nam tiếp viên của VNA là Nguyễn Hoàng Hải trên chuyến bay từ Đức về Việt Nam cũng đã bị hải quan TP.HCM bắt giữ do vận chuyển trái phép hơn 300.000 euro.
Vào đầu năm 2008, hai tiếp viên khác là Nguyễn Quý Hiển và Nguyễn Hoàng Hương Xuân bị Hải quan Hàn Quốc bắt giữ tại sân bay Incheon khi mang 300.000 USD Mỹ vào nước này.
Bình luận về vụ phi công và tiếp viên VNA bị tình nghi buôn lậu vàng vào Hàn Quốc, luật sư Nguyễn Thành Công thuộc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận định:
VN và Hàn Quốc đã ký “Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự” số 45/2005. Đây là văn bản xác định quan hệ về tương trợ tư pháp ở mức cao nhất giữa hai quốc gia. Theo đó khi có các vấn đề phát sinh do sự vi phạm pháp luật hình sự của công dân nước này liên quan đến nước kia thì giữa hai nước sẽ có sự hợp tác để giải quyết, xử lý.
Trường hợp các tiếp viên và phi công bị giới chức Hàn Quốc bắt về hành vi mang lậu vàng vào Hàn Quốc thì sẽ được xử lý theo pháp luật Hàn Quốc như trường hợp công dân Hàn Quốc vi phạm. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu các cơ quan tố tụng Hàn Quốc muốn làm rõ về hành vi, động cơ, mục đích nhằm chứng minh tính nguy hiểm của tội phạm đã gây ra để có chế tài phù hợp, tương ứng mà yêu cầu Chính phủ Việt Nam hỗ trợ. Căn cứ vào Hiệp định trên mà Chính phủ VN sẽ giao cho các cơ quan đáp ứng yêu cầu của phía Hàn Quốc, cụ thể ở đây là Bộ Công An sẽ tiến hành đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của phía Hàn Quốc thông qua việc thu thập, điều tra, cung cấp thông tin, dữ liệu, chứng cứ.
Như vậy, các can phạm trong vụ án này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Hàn Quốc về hành vi vi phạm của mình tại Hàn Quốc và phải chấp hành.
Ngoài ra, sau khi xét xử và bản án hình sự có hiệu lực tại Hàn Quốc nếu cơ quan có thẩm quyền tại Hàn Quốc có yêu cầu chuyển giao những bị án cho Việt Nam và nước ta đồng ý thì căn cứ vào Đ.49, Đ.50 Luật Tương Trợ Tư Pháp mà Việt Nam sẽ thực hiện việc tiếp nhận các bị án để thi hành án tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.