Hãy để tết là những ngày hạnh phúc

04/02/2016 07:30 GMT+7

Đây là chia sẻ của GS-TS Trần Ngọc Vương - (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trong cuộc trò chuyện cuối năm với Thanh Niên .

Đây là chia sẻ của GS-TS Trần Ngọc Vương - (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trong cuộc trò chuyện cuối năm với Thanh Niên.

Ấm áp bữa cơm sum họp ngày xuân - Ảnh: Ngọc ThắngẤm áp bữa cơm sum họp ngày xuân - Ảnh: Ngọc Thắng
- Những năm gần đây có hiện tượng thay vì đón tết tại nhà với những bổn phận truyền thống thì nhiều gia đình, cá nhân lại chọn những chuyến du lịch xa. Ông suy nghĩ về việc này như thế nào?
GS-TS Trần Ngọc Vương: Trong những biến đổi theo xu hướng hiện đại hóa của một xã hội đang phát triển thì điều đó là không tránh khỏi. Thông thường người ta nghĩ rằng hễ tết đến là mình có bổn phận phải đi thăm những người thân quen, chúc xuân chỗ này kia, quan tâm chu đáo với mọi người.
Tuy nhiên, phạm vi thực của đời sống, ý nghĩa đích thực của những ngày lễ tết thì nên nhìn trong những khuôn khổ nào đó xác định thôi. Ta đừng biến tất cả những ngày tết với ai đó thành gánh nặng. Mục tiêu hàng đầu tết cũng là một kỳ nghỉ lớn và cũng là dịp cho người ta được giải thoát khỏi những lo toan bận rộn, những nỗi ám ảnh đời thường.
Hãy để người ta tạm thời gác lại và được quyền rơi vào một không gian, một trạng thái tâm lý ít nhất là có cảm giác hạnh phúc; để mỗi cá nhân đều cảm thấy ngày tết là dịp mình được sống với nhu cầu bình thường và lành mạnh của mình.
GS-TS Trần Ngọc Vương - Ảnh: Thành Long
- Thưa GS, theo truyền thống, mỗi dịp tết đến, xuân về là thời khắc thiêng liêng của sự sum họp, đoàn tụ của các gia đình, họ mạc. Nhưng vài năm trở lại đây điều đó dường như đã có nhiều thay đổi. Cùng với sự phát triển của xã hội, mô hình gia đình truyền thống dường như đứng trước những thách thức mới. Ví dụ như mẫu hình gia đình các bà mẹ đơn thân dường như đang được cổ súy hiện nay chẳng hạn...
GS-TS Trần Ngọc Vương: Đúng là những năm gần đây, xã hội VN chứng kiến những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc gia đình truyền thống. Sự phá vỡ cấu trúc đại gia đình không chỉ có ở môi trường thành phố mà cũng diễn ra mạnh mẽ cả ở nông thôn.
Cấu trúc của gia đình hiện đại do sự phát triển thiếu chuẩn mực, định hướng bằng các loại cơ chế thực sự khoa học cho nên trong thực tế cấu trúc gia đình trong quy mô lớn bị tan rã dẫn đến các hiện tượng không lành mạnh. Về mặt luật pháp anh không thể ngăn cản hoặc chống lại những hiện tượng như các gia đình mô hình mẹ đơn thân, thậm chí là các ông bố đơn thân nữa.
Tôi cho rằng cổ vũ cho những chuyện đó không phải là xu hướng của truyền thông lành mạnh. Ta chấp nhận nó như một thực tế, như một loại hiện tượng xã hội không thể loại bỏ đi được; nhưng cổ vũ cho nó hay không lại là câu chuyện khác. Việc nuôi dạy những đứa trẻ với tư cách từng cá thể nói riêng và như một thế hệ nói chung rõ ràng cần sự hợp tác của rất nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ.
Tết cũng là một kỳ nghỉ lớn và cũng là dịp cho người ta được giải thoát khỏi những lo toan bận rộn, những nỗi ám ảnh đời thường. Hãy để người ta tạm thời gác lại và được quyền rơi vào một không gian, một trạng thái tâm lý ít nhất là có cảm giác hạnh phúc
GS-TS Trần Ngọc Vương
- Ở một thái cực khác, văn hóa dòng tộc, một dạng “gia đình lớn” dường như đang phình ra, trở thành một thứ mốt thời thượng... Thực tế ấy đang phản ánh điều gì, theo ông?
GS-TS Trần Ngọc Vương: Chuyện phục hồi văn hóa họ tộc một cách tràn lan mà không có một hệ ý tưởng chủ đạo cũng là hiện tượng có thật. Nhưng theo quan sát của cá nhân tôi thì các dòng họ hiện nay dường như chỉ là sự tập hợp quanh những người có ưu thế kinh tế. Những người có vai vế trong họ mạc là người làm ra tiền và mang tiền về xây những công trình cho dòng họ để lấy cái tiếng trong khuôn khổ dòng họ của mình cũng như tạo ra uy thế nào đó với dòng họ khác. Ý nghĩa văn hóa lành mạnh tích cực dòng họ dần mất đi. Người ta dường như đang mải tập trung vào các hoạt động biểu hiện mang màu sắc PR như làm đám cưới thật to, đám ma thật lớn, những nghi thức “vinh quy bái tổ” hoành tráng chứ ít chú trọng phát triển nó trong chiều sâu văn hóa.
Một khía cạnh khác mà chúng tôi muốn nói đến là câu chuyện đời sống tâm linh. Những năm gần đây chúng ta nghe nói quá nhiều đến những điều không tốt đẹp như chuyện chen chúc nhau giành ấn đền Trần hoặc chuyện cầu tài, cầu lộc một cách thái quá…
Những nhu cầu nghiêng về văn hóa tâm linh thì thời nào, xã hội nào cũng có. Vấn đề là mức độ khác nhau, quan niệm khác nhau thôi. Vấn đề ở chỗ con người xã hội được định hình hoặc tự phát định hình theo một hướng nào đó trong một không gian, thời gian nào đó theo cách thế nào là chuyện những người có trách nhiệm tổ chức văn hóa xã hội phải suy nghĩ trước.
Trong xã hội mà khuôn mẫu hành vi tính chất nhân trị của văn hóa không phải pháp trị cao như ở ta đòi hỏi gương mẫu của những người có vị trí xã hội lại là mang tính bắt buộc. Thiết nghĩ, mỗi người trong vị trí của mình nên hành xử như thế nào cho nó phù hợp với tư thế văn hóa của mình, kể cả với chuyện tâm linh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.