Heo tiêm thuốc được giữ lại chờ đào thải... rồi bán tiếp

01/10/2017 06:23 GMT+7

3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần sẽ được lưu giữ lại, chờ đào thải hết ra ngoài sẽ cho giết mổ.

Hôm qua Chi cục Thú y TP.HCM đã có buổi họp báo sau vụ gần 5.000 con heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ đưa ra thị trường.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết kết quả kiểm tra 144 mẫu nước tiểu của số heo này và 4 mẫu thuốc màu vàng trong chai lọ cho thấy, hoạt chất Acepromazine trong các lọ có nồng độ từ 0,47 - 0,51 miligram/ml.
Nồng độ này là rất cao, đậm đặc. Các mẫu nước tiểu heo mang đi xét nghiệm đều dương tính với chất Acepromazine, chứng tỏ heo đã bị tiêm thuốc an thần.
Ông Phạm Tiến Dũng và ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cũng trả lời nhiều câu hỏi của báo giới xung quanh sự việc này.
Với nồng độ đậm đặc như vậy, nếu không phát hiện mà đưa số thịt heo này ra thị trường thì có vượt quá ngưỡng an toàn với người dùng không, thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Bộ Y tế quy định, hàm lượng thuốc an thần trong thịt động vật không được vượt mức 60 microgram/kg. Ở đây chúng tôi chỉ kiểm tra sự có mặt của thuốc an thần. Nếu có là đã có hành vi vi phạm, không xem xét có vượt ngưỡng hay không. Trong trường hợp này chưa có so sánh giữa nồng độ thuốc và ngưỡng an toàn của Bộ Y tế. Việc xem xét ngưỡng an toàn này sẽ được tiến hành với các sản phẩm thịt được bày bán trên thị trường.
Ông có thể cho biết chế tài cụ thể trong trường hợp này?
Ông Huỳnh Tấn Phát: Theo Nghị định 90/NĐ-CP năm 2017, chúng tôi xử phạt 2 trường hợp mức cao nhất là 35 triệu đồng do khai báo không thành khẩn; 11 thương lái còn lại bị phạt mức 32,5 triệu đồng. Đối với 2 thương lái khai báo không thành khẩn, chúng tôi đã buộc chủ lò mổ không ký tiếp hợp đồng với họ.
Có buộc tiêu hủy với heo phát hiện tiêm thuốc an thần hay lại cho nuôi chờ thải hết thuốc rồi giết mổ trở lại, thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Trước đây với chất tạo nạc Salbutamol, quy định ban đầu là có thể tiêu hủy cũng có thể cho nuôi tiếp để heo bài thải hết ra rồi giết mổ. Nhưng quy định như vậy không giải quyết được vấn đề nên sau đó đã sửa lại, khi phát hiện heo có chứa chất Salbutamol bị tiêu hủy hết. Nhờ vậy mà hiện nay hành vi này hầu như không còn nữa. Tuy nhiên với chất an thần thì chưa có quy định như chất tạo nạc nên không thể làm khác được. Chất an thần tồn dư trong thịt heo không gây chết người ngay nhưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhất định. Đã có tồn dư và sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là người bị bệnh mạn tính, tiêu hóa, người già, trẻ em..., gây trầm cảm. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét kiến nghị với lãnh đạo Bộ NN-PTNT để trình Chính phủ sửa đổi các quy định hiện hành.
Nghĩa là số heo bị phát hiện sẽ vẫn được giữ lại...?
Ông Phạm Tiến Dũng: Theo quy định hiện hành, 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần sẽ được lưu giữ lại, chờ đào thải hết ra ngoài sẽ cho giết mổ. Thời gian thuốc đào thải hết, theo khuyến cáo của nhà sản xuất và đơn vị nhập khẩu ghi trên bao bì là 24 giờ sau tiêm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu heo từng ngày, lô heo nào âm tính với Acepromazine mới cho giết mổ.
Một cơ sở giết mổ lớn, lượng heo tương đương một nửa số lượng heo cung cấp cho thị trường TP.HCM mỗi ngày bị phát hiện tiêm thuốc an thần thì các cán bộ thú y tại đó không thể không biết. Có hay không việc buông lỏng quản lý, bao che, móc ngoặc với các đối tượng vi phạm?
Ông Huỳnh Tấn Phát: Việc đầu tiên của chúng tôi ngày hôm qua là yêu cầu tất cả các cán bộ thú y làm việc tại đó phải viết báo cáo giải trình vụ việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành công an để làm rõ việc có cán bộ của mình vi phạm hay không, nếu có sẽ xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật. Việc có buông lỏng quản lý hay không thì nhờ Thanh tra Bộ trả lời hộ cho khách quan.
Lò mổ xảy ra vụ việc có 17 cán bộ thú y giám sát
Cơ sở giết mổ lớn như Xuyên Á có lực lượng cán bộ thú y trực 24/24, tổng số là 17 người. Vào cao điểm từ nửa đêm về sáng, toàn bộ 17 người này phải có mặt kiểm tra, giám sát các dây chuyền giết mổ. Vào những lúc thấp điểm hơn trong ngày, lực lượng cán bộ bố trí luân phiên. Đây không phải là trường hợp đầu tiên TP.HCM phát hiện hành vi sử dụng chất cấm của thương lái. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 7 trường hợp, còn năm 2016 phát hiện tổng cộng 764 con heo sử dụng thuốc an thần. Khi xảy ra sự việc, chúng tôi nhận thấy quy trình kiểm tra giám sát của mình có vấn đề và bị các đối tượng lợi dụng. Trước đây họ tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào lò mổ. Nay họ tiêm thuốc sau khi heo xuống xe, trên đường lùa về chuồng. Ngay hôm qua chúng tôi đã chỉ đạo nhân viên rút kinh nghiệm trong việc này.
Ông Huỳnh Tấn Phát
(Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.