Hiểm họa trà sữa giá bèo

29/08/2016 08:20 GMT+7

Mỗi ly được pha chế bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc với giá thành chỉ 2.000 đồng đang thực sự gây nguy hại đến sức khỏe cho rất nhiều trẻ em, giới trẻ, những "tín đồ" của món trà sữa trân châu.

Trưa cuối tuần, trời nắng nóng, hai vợ chồng anh Nguyễn Sơn ghé vào quán nước giải khát bên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM) mua hai ly nước trà sữa trân châu với giá 15.000 đồng/ly. Đây là mức giá phổ biến trên thị trường hiện nay, nhưng theo những người bán nguyên liệu để làm trà sữa tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), tại các khu công nghiệp và trước cửa các trường học, chỉ cần bán từ 6.000 - 8.000 đồng/ly, người bán cũng lãi gấp 3 - 4 lần so với số vốn bỏ ra.
Nguyên liệu giá nào cũng có
Những ly trà sữa chứa đầy bột màu, hương liệu công nghiệp... nếu dùng thời gian dài, tích tụ sẽ là nguyên nhân gây tổn thương lớn cho gan và thận. Thậm chí suy gan, thận ở những cơ địa trẻ có đề kháng yếu
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN
Để tìm hiểu về trà sữa giá bèo được giới trẻ ưa chuộng nhiều năm nay, chúng tôi tìm đến chợ Bình Tây, chợ đầu mối về nguyên liệu thực phẩm. Tại một sạp chuyên bán phụ liệu bột sữa, bột béo, hồng trà, lục trà, trân châu, trà sữa, trà đen..., người bán tên Hồng khi nghe khách hỏi mua nguyên liệu làm trà sữa trân châu liền khoát tay chỉ lên kệ xếp đầy các bịch bột béo, trà túi lọc hỏi cộc lốc: “Muốn bình dân hay cao cấp?”. Nhưng người mua chưa kịp trả lời, bà đã nói luôn: “Bán trong tiệm vài ba chục ngàn thì lấy bột sữa cao cấp của Indonesia, Malaysia giá 70.000 - 75.000 đồng/kg, rẻ hơn cô lấy bột sữa của Thái Lan giá 45.000 đồng/kg, rẻ nữa 16.000 đồng là trà đen của Trung Quốc. Hạt trân châu loại đóng gói có hút chân không màu nâu 42.000 đồng/bịch 2 kg, loại không hút chân không chỉ 34.000 đồng/bịch 2 kg”. Đó là nguyên liệu nền, còn hương mùi có đến 30 loại "châm vài giọt là thơm lừng, muốn béo ngậy cứ 1 bịch bột béo, thêm nửa lon sữa đặc nữa là ngon", bà Hồng nói.
Không chỉ giới thiệu các loại bột, bà Hồng còn tư vấn chúng tôi tỷ lệ pha chế. Cứ 1 kg bột sữa, 200 gr trà, 1/2 kg trân châu, nửa lon sữa đặc pha vào 3 lít nước để nấu sẽ có gần 4 lít sữa, đổ ra được gần 40 ly trà sữa. Tuy nhiên, Tiến, người có thâm niên bán nguyên liệu trà sữa hơn 5 năm nay tại sạp K.H ngay cổng chính của chợ Bình Tây lại cho rằng công thức bà Hồng đưa ra chưa… chuyên nghiệp. Theo anh này, cứ đổ 4 lít nước cho chừng ấy bột sữa, nhưng chỉ 100 gr trà, dùng nguyên lon sữa đặc và thêm 200 gr đường cát nữa mới có sản phẩm trà sữa trân châu khiến “tụi trẻ mê mệt”. “Gói bột sữa Thái Lan 45.000 đồng, 100 gr trà đen Trung Quốc 8.000 đồng, lon sữa đặc 15.000 đồng, 200 gr đường cát loại cân ký khoảng 3.000 đồng, 1/2 kg hạt trân châu 17.000 đồng, tất cả hòa vào 4 lít nước. Tổng cộng chỉ 88.000 đồng có thể đổ ra cả 50 ly trà sữa trân châu bán vô tư, vốn chưa tới 2.000 đồng/ly, lời lớn”, Tiến sành sỏi.
Sau khi tính toán và hướng dẫn cho khách cách làm trà sữa “ngon, có lãi lớn”, Tiến đùa: “Trà sữa một vốn năm lời. Anh về bỏ vợ lấy nàng làm sưa (sữa)” rồi bật cười ha hả dặn với theo: “Nhớ nấu sữa rồi ướp lạnh thì độ đặc béo mới ngậy mùi được, bỏ ngoài trời nóng không ai thèm uống đâu nhé”.
Cách nơi Tiến 3 sạp, chị Bông, người bán hàng tại đây kéo chúng tôi lại tiết lộ, có loại bột sữa D. của Đài Loan nếu mua nguyên bao chỉ giá tầm 26.000 đồng/kg. “Nếu đồng ý mua thì trả tiền tôi cho người ra kho lấy và vác ra xe chở về luôn, không có mẫu ở đây mà xem đâu. Dân nấu trà sữa lượng lớn, chuyên nghiệp toàn mua sỉ mới có giá rẻ vậy”, Bông nói và cho biết những bịch hạt trân châu thạch đủ màu sắc giá từ 18.000 - 30.000 đồng/kg đang bán tại chợ đa số là hàng Đài Loan.
Nguyên liệu trà sữa trân châu bán tại chợ Bình Tây
Tổn thương gan, gây vô sinh…
Ba chuỗi bán lẻ lớn ở Hồng Kông thu hồi trà sữa Đài Loan
Sau khi Singapore cấm bán trà sữa Chun Cui He của Đài Loan vì chứa chất phụ gia L-theanine bị cấm dùng tại đảo quốc sư tử, 3 chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn ở Hồng Kông cũng tự nguyện thu hồi tổng cộng 1.000 - 2.000 sản phẩm này, theo tờ South China Morning Post. Cụ thể, 2 chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và Circle K đã gỡ Chun Cui He khỏi kệ còn chuỗi siêu thị Wellcome cũng hủy đơn đặt hàng 400 hộp trà sữa loại này với nhà sản xuất Bifido Group. Trong khi đó, ở Singapore 7-Eleven đã được lệnh thu hồi và ngưng bán sản phẩm này từ ngày 22.8.
Minh Trung
Cách đây 3 năm, Singapore từng phát hiện và cảnh báo hạt trân châu có xuất xứ từ Đài Loan được tiêu thụ tại quốc đảo này có chứa chất a xít maleic, loại phụ gia gây suy thận nếu dùng thường xuyên. Trước đó, thông tin từ báo chí Trung Quốc cũng cho biết một số nơi sản xuất hạt trân châu tại Trung Quốc đã pha thêm chất dẻo công nghiệp để tăng độ dẻo dai, rồi trân châu làm từ lốp xe và đế giày. Tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng ở Hà Nội cũng đã kiểm tra tạm giữ hơn 200 kg nguyên liệu bột trà đựng trong bao bì tiếng Trung Quốc, không rõ nguồn gốc được sản xuất đóng gói tại xưởng làm trà trân châu mang thương hiệu Feeling Tea.
Có lẽ vì thế, cả bà Hồng, Tiến và chị Bông khá thoải mái khi chia sẻ giá cả và cách chế biến trà sữa trân châu giá rẻ, nhưng khi hỏi đến nguồn gốc thì mỗi người nói một kiểu. Cùng bịch trà túi lọc không nhãn mác, tẩm bằng hương liệu nồng nặc có giá 16.000 đồng, bà Hồng nói hàng Trung Quốc, Tiến nói hàng Thái, chị Bông nói hàng của Đài Loan. Nhưng Tiến cũng nói thẳng, trà Thái giá cao, bán không có lãi nên rất ít người mua. So sánh gói trà không nhãn mác 200 gr giá 16.000 đồng với giá 45.000 đồng của trà Siam Thái, Tiến nói: “Giá cao gấp 3 lần, chẳng ai dại mà mua”.
Hai từ “Trung Quốc” rất ít khi được đề cập khi nói về nguồn gốc hàng hóa tại chợ đầu mối nguyên liệu thực phẩm này. Ngay cả khi cầm gói trân châu chi chít chữ Trung Quốc nhưng người bán vẫn khẳng định là “hàng Đài Loan”. Tuy nhiên, theo ông N.T.T, chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên, hương liệu có trụ sở đóng tại đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), hầu hết nguyên liệu phục vụ cho ngành bánh, sữa giá rẻ chỉ có thể nhập từ Trung Quốc. “Loại mua nguyên bao bột sữa, giá chưa tới 30.000 đồng đồng/kg thì đỏ mắt cũng không thể có hàng tốt”, ông N.T.T chốt lại.
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, món trà sữa thực chất không có sữa mà cũng không có trà. Thành phần đa số là kem béo lẫn với hương bột trà và một số phụ gia khác. “Trong đó toàn chất béo bão hòa và a xít chuyển hóa lớn, không có can xi, những thành phần này đều không tốt cho sức khỏe của trẻ đang tuổi lớn, cần nhiều vitamin bổ dưỡng để phát triển trí não cũng như thể lực. Thứ nữa, hạt trân châu thành phần chính là tinh bột lọc, đường cô đặc và hương liệu. Đường cô đặc là phụ gia thực phẩm nhưng chứa nhiều nguyên tố độc hại như thủy ngân, chì và thạch tín”, bác sĩ Ký nói và khuyến cáo thêm: “Những ly trà sữa chứa đầy bột màu, hương liệu công nghiệp… nếu dùng thời gian dài, tích tụ sẽ là nguyên nhân gây tổn thương lớn cho gan và thận. Thậm chí suy gan, thận ở những cơ địa trẻ có đề kháng yếu”.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý một trong những thành phần chủ yếu của trà sữa trân châu giá rẻ từng được các nước khuyến cáo là dầu thực vật hydro hóa, một loại a xít béo gây giảm hormone ở nam giới và làm giảm lượng tinh trùng. Với nữ giới, những a xít này cũng làm tăng nguy cơ ung thư và vô sinh, bệnh tim mạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.