Xem xét việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga
Đại biểu sẽ đưa vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án vào nghị trường
Đại biểu sẽ đưa vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án vào nghị trường
Sáng qua, Văn phòng Quốc hội (QH) tổ chức họp báo giới thiệu chương trình và nội dung kỳ họp thứ 9, QH khóa 13. Kỳ họp khai mạc hôm nay (20.5) và dự kiến bế mạc ngày 26.6, tổng thời gian làm việc hơn một tháng; xem xét thông qua 11 dự án luật và nghị quyết của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, cho ý kiến 15 dự án luật.
Hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai hồi tháng 3 - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
11 dự án luật QH sẽ xem xét thông qua gồm: luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); luật Tổ chức chính quyền địa phương; luật MTTQ VN (sửa đổi); luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND; luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi); luật Ban hành văn bản pháp luật; luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; luật Thú y; luật An toàn, vệ sinh lao động.
15 dự án luật được cho ý kiến gồm: bộ luật Dân sự (sửa đổi); bộ luật Hình sự (sửa đổi); bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; luật Tạm giữ, tạm giam; luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kế toán; luật Trưng cầu ý dân… Luật Biểu tình, một trong những dự án luật quan trọng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, không được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp lần này.
Tại kỳ họp, QH sẽ nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về điều 60 của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, hiện Chính phủ chưa có tờ trình chính thức đề nghị QH sửa điều 60 luật BHXH. Sau khi Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện điều luật, QH sẽ thảo luận và xin ý kiến đại biểu xem có sửa hay không.
Cũng theo ông Phúc, để chuẩn bị cho ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 12, tại kỳ họp QH thảo luận góp ý về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng; xem xét cho ý kiến về việc bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội.
Làm rõ vụ lấp sông Đồng Nai
Liên quan đến những vấn đề dân sinh thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua, trao đổi với Thanh Niên ngay trước thềm kỳ họp, nhiều ĐBQH cho biết sẽ đưa vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án, chặt cây xanh ở Hà Nội… vào nghị trường. Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH Võ Tuấn Nhân cho rằng “chắc chắn sẽ có nhiều ĐBQH đưa ra trước QH” vụ lấp sông Đồng Nai. “Riêng Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH đã có văn bản gửi Bộ TN-MT đề nghị Bộ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để làm rõ vấn đề vụ lấp sông Đồng Nai trên cả hai phương diện pháp lý và khoa học, sau đó báo cáo Chính phủ quyết định. Hiện tại thẩm quyền giải quyết vụ việc là thuộc của tỉnh Đồng Nai nhưng tỉnh vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm là họ làm đúng, do đó QH có thể đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này”, ông Nhân nói.
Còn ĐB Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, nêu rõ: “Các nhà khoa học cho rằng dự án này ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường cho không chỉ Đồng Nai mà còn các tỉnh, thành khác. Tôi đồng tình với quan điểm này. Hiện tại chương trình kỳ họp tới của QH không có nội dung này nhưng tôi cho rằng chắc chắn sẽ có ĐBQH đưa ra vấn đề này bên cạnh vấn đề cây xanh Hà Nội. Tôi cho rằng Đồng Nai nên dừng dự án này và nên tham vấn các bên liên quan chứ không thể nói là sông của tỉnh anh mà muốn làm gì thì làm không cần hỏi tỉnh khác”.
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ĐBQH Đoàn TP.Hà Nội, khẳng định sẽ nêu vấn đề dự án lấp sông Đồng Nai tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hoặc phiên chất vấn về trách nhiệm của bộ chuyên ngành. “Vấn đề nêu ra có thể là dự án này thực hiện có vi phạm quy hoạch xây dựng, giao thông đường thủy... không? Được mất trong hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án này là gì? QH chưa có cơ chế chất vấn lãnh đạo địa phương nhưng QH có chức năng giám sát. Tôi cho rằng vụ việc này cũng tương tự như việc cho nước ngoài thuê rừng cách đây vài năm. Rất cần thiết phải đưa ra QH. Thậm chí có thể chất vấn, đưa vấn đề ra để Bộ chuyên ngành có ý kiến chỉ đạo đối với địa phương”, TS Thảo nói.
Bình luận (0)