'Hữu nghị thì hữu nghị nhưng đừng quên người hy sinh'

17/02/2017 10:02 GMT+7

Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên toàn quốc được thành lập ngày 7.5, ra mắt ngày 14.7.2016 tại hội trường Bộ Quốc phòng với sự gặp gỡ của hơn 700 chiến sĩ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 hồi 1986 nay là Trưởng ban Liên lạc của Ban Liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên toàn quốc. Ông chia sẻ về kế hoạch tới đây của Ban này.
Xin ông cho biết về các thành viên Ban liên lạc chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên toàn quốc?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Chúng tôi có anh em chiến đấu nhiều lứa tuổi, thành lập từ 7.5.2016. Có lớp lính già từ thời chống Mỹ, cũng có cả những anh em trẻ sau này. Trước đây thì các trung đoàn, sư đoàn chiến đấu vẫn họp mặt với nhau thường xuyên.
Ngày 14.7 vừa rồi Ban liên lạc chính thức ra mắt ở Hội trường Bộ Quốc phòng. Bộ đồng ý tài trợ một phần để họp ra mắt Ban liên lạc chiến sĩ Vị Xuyên. Riêng cuộc gặp đó là trên 700 người, trên 100 các đồng chí là tướng lĩnh.
* Trước đây vẫn có những nhóm nhỏ các chiến sĩ ở Vị Xuyên có liên lạc với nhau. Vậy khi thành lập nhóm lớn, các ông hướng tới việc gì?
Có thể nói đến giờ nhiều cán bộ kể cả quân đội cũng không biết Vị Xuyên (Hà Giang) là ở đâu, ở đó đã xảy ra chuyện gì. Nhiều nơi không biết chiến tranh Vị Xuyên, người ta chỉ biết chuyện tháng 2.1979 chứ không biết ở Vị Xuyên có chiến tranh kéo dài đến 1989. Mặt trận này tập trung ác liệt từ 84 - 89. Số lượng mất đến nay thống kê chưa chính xác là gần 5.000 người hy sinh. Còn hàng vạn anh em thương binh.
Trung Quốc trút xuống đó khối bom đạn không kém gì Quảng Trị năm 1972. Khi chiến tranh kết thúc, tôi cho đo lại, có những mỏm núi đá bạt mất 3 mét. Một ngày Trung Quốc có thể bắn từ 3 - 5 vạn quả đạn pháo cỡ lớn tập trung vào khu vực Vị Xuyên, một bề là 3 cây số một bề là 5 cây số. Chỉ có thiếu là không có không quân thôi. Thế thì ác liệt thế nào.
Mà trong chiến tranh chống Mỹ mình huy động số quân giải phóng Quảng Trị, ở đó ta sử dụng có 6 sư đoàn chủ lực thôi. Nhưng Vị Xuyên dùng 9 sư đoàn chủ lực. Mà cả những đơn vị đã chiến đấu ở chống Mỹ, rồi thành lập 3 sư đoàn mới hoàn toàn. Năm 1984 có quy mô rất lớn ác liệt. Nhưng hầu như ít tuyên truyền chiến tranh Vị Xuyên. Đến vừa qua không viết được sử có chiến tranh Vị Xuyên. Mãi mới vừa rồi 70 năm, bổ sung lịch sử Quân khu 2 mới nói là có chiến tranh ở biên giới phía Bắc. Bảo tàng quân khu mãi vừa rồi mới có mảng trưng bày chiến tranh biên giới.
Đấy cũng là lý do vì sao chúng tôi thành lập mặt trận chung toàn quốc. Từ trước đến nay các tiếng nói lẻ tẻ. Thành lập như thế để có tiếng nói chung. Hữu nghị thì hữu nghị nhưng đừng quên người hy sinh. Ta có thể ngoại giao nhưng vẫn phải giáo dục thế hệ con cháu, nhân dân biết đã có thời kỳ như thế. Hàng ngàn hàng vạn người đã hy sinh, đã bị thương.

tin liên quan

Anh hùng giữa đời thường: Huyền thoại 338
Ngày 20.12.1979, Chủ tịch nước đã ký lệnh số 187/LCT phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 29 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ có thành tích chiến đấu ở biên giới phía bắc. 38 năm trôi qua kể từ tháng 2.1979, PV Báo Thanh Niên đã tìm gặp lại những người anh hùng đang sống bình dị giữa đời thường...
* Việc vận động thành lập Ban liên lạc có khó khăn gì không, thưa ông?
Khó là liệu mình làm ra người ta có đồng tình không. Nên trong các cuộc gặp mặt anh em là tôi đã thăm dò tham khảo. Năm 2015 họp mặt Quân khu 2 tôi đã thăm dò một số tướng lĩnh trên cơ quan Bộ, họ đều ủng hộ cả.
Khi đi Vị Xuyên, tôi chạnh lòng khi thấy so với Quảng Trị, ở ngã ba Đồng Lộc. Mặt trận Vị Xuyên 10 năm hàng mấy ngàn liệt sĩ chưa có khu tưởng niệm. Thậm chí còn gần 3.000 anh em hy sinh nằm rải rác trên đó, nhưng đến nay vẫn chưa có đội rà phá bom mìn và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Theo thống kê chưa đầy đủ của tỉnh và của chúng tôi có khoảng 4.700 anh hùng liệt sĩ, nhưng mới đưa vào nghĩa trang 1.700 người. Phía trước nghĩa trang cũng trồng cây kín mít. Đi đường số 2 không thể nhận biết chỗ nào là nghĩa trang.
Cho nên sau khi thành lập, chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng thành lập đội rà phá bom mìn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ như ở Quảng Trị, Campuchia. Thỉnh thoảng, người dân đi làm cũng phát hiện ra hài cốt liệt sĩ.
* Lịch hoạt động cụ thể của năm tới sẽ ra sao thưa ông?
Ban liên lạc chúng tôi họp 6 tháng 1 lần. Đồng thời kiến nghị một số công việc với Đảng và Nhà nước. Ví dụ quy hoạch khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, tìm lại hài cốt anh hùng liệt sĩ. Thứ nữa là tuyên truyền cho nhân dân biết có như thế đấy, hy sinh như thế đấy. Đừng có giấu mãi. Trong khi đó Trung Quốc năm nào cũng kỷ niệm chiến tranh, họ vẫn nói là đánh trả xâm lược Việt Nam với biên giới Trung Quốc.
Chương trình 2017 của chúng tôi là xây dựng được tổng thể khu di tích Vị Xuyên, nó bao gồm cả mặt trận chiến đấu. Thứ nữa là làm đại lễ cầu siêu nhân ngày 27.7, để cả nước biết đến mặt trận này, để vong linh người đã hy sinh không tủi.
Chúng tôi cũng tiếp tục yêu cầu rà phá bom mìn để tìm hài cốt liệt sĩ. Từng đơn vị sẽ họp anh em lại để lấy thông tin. Ví dụ sư đoàn 316 đánh những trận nào, ở khu vực nào, còn bao nhiêu người hy sinh chưa lấy được hài cốt. Sau đó sẽ tham mưu để sư đoàn đi tìm.
Một số anh em thương binh còn chưa được hưởng chính sách vì mất hết giấy tờ thì có thể chứng nhận cho họ. Có những người 30 năm chưa được chế độ. Nhiều chứ không ít đâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.