(TNO) Chiều 24.3, HĐXX phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật” với hai trong số ba bị cáo nguyên là Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Các bị cáo Tâm, Phát, Khỏe (từ trái sang) tại tòa chiều 24.3
|
>> Xử phúc thẩm vụ công an viên đánh và bắt người trái pháp luật
Trong hai ngày 23 - 24.3, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật”, làm nạn nhân Tu Ngọc Thạch (15 tuổi, ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) tử vong.
Lý do hủy án được HĐXX nêu rõ: Theo biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án, có phát hiện một mũ bảo hiểm, cơ quan điều tra đã thu giữ chiếc mũ bảo hiểm này. Bị cáo Lê Văn Phát thừa nhận chiếc mũ bảo hiểm nêu trên là của bị cáo nhưng cho rằng không bị vỡ, bị cáo không thừa nhận đã dùng mũ bảo hiểm đánh em Tu Ngọc Thạch.
Trong khi đó, lời khai của nhiều nhân chứng khẳng định có nghe Thạch kể lại rằng bị công an đuổi theo, chân đạp, tay đánh, em Thạch có bị đánh bằng mũ bảo hiểm.
Cấp sơ thẩm không điều tra, làm rõ các dấu vết mô tả trên mũ bảo hiểm là của ai, nguyên nhân vì sao vỡ để có cơ sở kết luận bị cáo Lê Minh Phát có sử dụng mũ bảo hiểm đánh em Tu Ngọc Thạch hay không.
HĐXX cũng nhận định việc cơ quan điều tra không xem chiếc mũ bảo hiểm thu được tại hiện trường vụ án là vật chứng là không đúng quy định của pháp luật.
Theo lời khai của ông Huỳnh Trung Thắng, Phó trưởng Công an xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, thì ông Thắng có hành vi cùng với bị cáo Lê Minh Phát (24 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) tham gia đuổi bắt em Tu Ngọc Thạch. Hành vi nêu trên của ông Thắng cũng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nạn nhân Tu Ngọc Thạch khi bị các bị cáo xâm hại chỉ mới hơn 14 tuổi. Bị cáo Phát đánh Thạch trong lúc Thạch bị còng tay, không còn khả năng tự vệ; đánh nhiều lần nên hành vi nêu trên thể hiện tính côn đồ. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá đầy đủ và áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Những nội dung nêu trên, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được nên cần hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND huyện Vạn Ninh điều tra lại theo quy định.
Theo cáo trạng, ngày 29.12.2013, Khỏe có hành vi dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng đầu Tu Ngọc Thạch (15 tuổi, ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh). Tâm và Phát mặc dù không được Trưởng công an xã phân công đã tự ý đi bắt Thạch. Phát còn dùng tay chân đánh, đá vào người, đầu Thạch. Sau đó, Thạch được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng ngày 31.12.2013 thì tử vong do chấn thương sọ não.
Trong phiên sơ thẩm vào giữa tháng 11.2014, TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phát (24 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) 6 năm 9 tháng tù về hai tội “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật”; bị cáo Lê Tấn Khỏe (15 tuổi, trú xã Vạn Long) 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; bị cáo Lê Ngọc Tâm (31 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) 9 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “bắt người trái pháp luật”.
Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình Tu Ngọc Thạch kháng cáo, cho rằng bản án sơ thẩm là quá nhẹ đối với những hành vi các bị cáo gây ra. Còn gia đình bị cáo Lê Tấn Khỏe kháng cáo, cho rằng Khỏe không phạm tội. Bị cáo Lê Minh Phát kêu oan về tội “cố ý gây thương tích”, xin giảm nhẹ hình phạt tội “bắt người trái pháp luật”.
Bình luận (0)