Mảnh đất hôm nay màu xanh bát ngát. Ngã ba Đồng Lộc lao giao điểm của đường 15 với các đường liên huyện, liên tỉnh. Xưa kia bom cày đạn xới không còn một cỏ cây sống sót. Hố bom chồng hố bom. Bầu trời đen kịt khói bom tang tóc tanh nồng... Nay tất cả các con đường dẫn tới ngã ba Đồng Lộc đều trải nhựa thênh thang. Toàn bộ khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Ngã ba Đồng Lộc, đã khoác thêm ánh sáng văn hóa – du lịch.
Tôi vẫn tự hỏi : “Điều gì làm nên sự bất tử và sức hút lạ kỳ của Đồng Lộc suốt mấy chục năm nay?”. Tại buổi giao lưu “Huyền thoại Ngã Ba Đồng Lộc”, tối 14.7.2007, nữ anh hùng La Thị Tám bồi hồi nhớ lại : “Biết là có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng không ai được chần chừ đắn đo. Chỉ có cách hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được tập thể giao”.
Thời đó (tháng 12.1967 đến tháng 8.1968) cô gái vừa tròn 18 tuổi La Thị Tám được giao nhiệm vụ đứng giữa túi bom Đồng Lộc để đếm bom rơi. Chị đứng gần 200 ngày đêm ròng rã trên núi Mòi và đã đếm được 1.205 quả bom Mỹ ném xuống. Trong đó có nhiều quả bom nổ chậm. Không chỉ đếm bom rơi, La Thị Tám còn phải khẩn trương đến ngay những chỗ quả bom nổ chậm cắm cọc tiêu, để công binh biết kịp thời rà phá... Hình ảnh hiên ngang của La Thị Tám đã đi vào bài hát nổi tiếng “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho.
10 cô gái huyền thoại và nơi an nghỉ vĩnh hằng |
Làm nên sự bất tử của Ngã ba huyền thoại này, không thể quân “vua” phá bom Vương Đình Nhỏ với kỳ tích tự tay rà phá 198 quả bom và chỉ huy đồng đội đánh 1899 quả bom các kiểu của Mỹ. Còn đó hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông dũng cảm tài ba Nguyễn Tiến Tuẫn. Anh trực tiếp chiến đấu đến hàng trăm trận, cứu sống 15 người, hướng dẫn, kích kéo hàng trăm xe vận tải quân sự vượt qua túi bom Đồng Lộc an toàn...
Bằng mọi giá, đế quốc Mỹ ra sức biến Ngã Ba Đồng Lộc “trở về thời kỳ đồ đá” – nhưng chúng đã lầm ! Đồng Lộc không chỉ có các Anh hùng La Thị Tám; Nguyễn Tri n; Nguyễn Tiến Tuẫn... mà còn có 10 cô gái TNXP đã mãi mãi đi vào huyền thoại, vào trang sử vàng của dân tộc Việt Nam thời chống Mỹ...
Ngay sau ngày 10 cô gái tiểu đội 4 (A4) – đại đội 552 – P18 – Tổng đội TNXP Hà Tĩnh vào cõi bất tử, A4 cũ đã được bổ sung thêm quân số thành A4 mới thề trả thù cho người ngã xuống. Mộ 10 cô mới đầu được chôn cất sơ sài bằng đất ở Bãi Dịa gần Ngã ba Đồng Lộc. Sau đó, hài cốt các cô được đem về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thiên Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) quê hương của A trưởng Võ Thị Tần và đồng đội Võ Thị Hợi 20 tuổi. Năm 1990, di hài 10 cô lại được cải táng về chân núi Trộ Voi, gần Ngã Ba Đồng Lộc, cách hố bom xưa... Những đồng đội cũ của 10 cô (còn sống đến nay) còn nhớ trước lúc hy sinh, họ được nghe “chim sơn ca” nổi tiếng A4 ngay trên miệng hố bom đã cất cao bài hát quen thuộc “Cô gái mở đường”...
Nhà văn Bùi Thị Minh Huệ – trong “Trái tim Đồng Lộc” – tập ký do Hội VHNT Hà Tĩnh xuất bản năm 2005 đã ngợi ca : “... Mỗi cô gái mở đường, dẫn đường đều trở thành thiên thần hộ mệnh của những người lái xe mang theo những chuyến hàng về Nam đánh Mỹ...”. Còn nhà văn từng có mặt ở Đồng Lộc năm 1969 Nghiêm Văn Tân, đã gọi 10 cô TNXP Ngã Ba Đồng Lộc khi xưa là “...Mười Cô Tiên trẻ mãi. Thời gian càng lùi xa, các Cô càng linh thiêng hơn, thần thánh hơn, nhiều huyền thoại hơn. Các cô đã trở thành bất tử...” (Trích truyện ký “10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” – NXB Phụ Nữ – Hà Nội – 2007)
Đinh Lê Yên
Bình luận (0)