Về phần nền đường và mái taluy dương chưa đảm bảo yêu cầu, phải kiểm tra lại vật liệu, quy trình thi công, những đoạn chưa đạt phải bóc bỏ, thay thế vật liệu. Về mặt đường, ngay khi mới thi công, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu thực hiện đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì vậy việc để xảy ra các tồn tại về chất lượng, nhà thầu và tư vấn giám sát phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và xử lý triệt để, thay thế, làm lại đúng theo yêu cầu tiêu chuẩn thiết kế. Về một dầm cầu sông Cấm bị kênh cao hơn dầm khác 5 cm, phải làm rõ trách nhiệm và tìm giải pháp khắc phục triệt để.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA 2, cho biết hôm nay (14.7), ban sẽ làm việc với nhà thầu và đơn vị tư vấn để làm rõ trách nhiệm từng bên, hướng xử lý để báo cáo Bộ GTVT trước 15.7. Tuy vậy, ông Sơn cho rằng các sai sót này “không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến an toàn của cầu khi vận hành”, Ban QLDA 2 sẽ yêu cầu nhà thầu khắc phục sửa chữa.
Về sai sót một dầm cầu sông Cấm bị kênh cao hơn 5 cm, theo ông Sơn, cầu sông Cấm chỉ là cầu dẫn lên cầu chính, không ảnh hưởng đến an toàn mà chủ yếu là mỹ quan (!). Trong quá trình chế tạo phiến dầm, bê tông dày hơn nên vượt 5 cm. Theo tính toán sơ bộ, nhà thầu sẽ phải khắc phục thảm bê tông nhựa mặt đường để bù vênh. Các hạng mục thi công sai sót do nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm, đơn vị tư vấn giám sát là liên danh tư vấn OCG - JBSI - Nippon Koei liên kết với Tedi - Tidicc - Apeco. Ông Sơn khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm từng bên và có hướng xử lý trách nhiệm cụ thể với các cá nhân, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo giải trình sơ bộ của Phòng QLDA 3 (đơn vị trực tiếp QLDA thuộc Ban QLDA 2), trong quá trình thi công dầm cầu sông Cấm, tư vấn giám sát và nhà thầu đã đánh giá dầm cầu đảm bảo khả năng chịu lực theo thiết kế và giải pháp khắc phục độ bằng phẳng, thoát nước nhằm đảm bảo mặt cầu sau khi thảm bê tông nhựa đáp ứng được yêu cầu về độ bằng phẳng. Hiện dự án đang trong quá trình thi công, nhà thầu có trách nhiệm sửa chữa mọi sai sót, hư hỏng theo quy định trong hợp đồng. Ngoài ra, giải trình cho kết luận “có hiện tượng thấm nước và nước đọng trong lòng dầm hộp”, đại diện chủ đầu tư cho rằng tại một số vị trí mối nối, trong quá trình thi công bề mặt keo bị bám bụi bởi gió thổi mạnh, các hạt bụi tồn tại trong mối nối làm cho mối nối bị thấm nước vào trong lòng dầm hộp.
Theo kết quả kiểm tra, có 15 vị trí có hiện tượng bị thấm nước. Về chất lượng bê tông nhựa không bằng phẳng, nhiều chỗ gồ ghề, chủ đầu tư đã yêu cầu nếu không khắc phục được phải cào bóc và thảm lại bê tông nhựa mặt cầu.
Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là dự án cầu đường vượt biển dài nhất VN hiện nay (15,63 km), thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, tổng mức đầu tư gần 12.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào đầu tháng 9 tới.
Bình luận (0)