|
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng, phụ trách trụ sở tiếp dân của T.Ư Đảng và Nhà nước cho biết, năm 2013 trụ sở tiếp dân đã tiếp hơn 25.400 người đến trình bày gần 6.100 vụ việc, trong đó có 717 đoàn đông người. So với năm 2012 đã tăng 28,74% về số lượt người, 22,7% về số vụ việc và 17,72% về số đoàn. Trong quý 1 năm nay đã tiếp 5.180 lượt người với hơn 1.200 vụ việc. Theo ông Điệp, nội dung khiếu kiện của dân chủ yếu vẫn là đòi lại đất cũ, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế của địa phương.
Mổ xẻ nguyên nhân vì sao khiếu kiện gia tăng, đặc biệt là khiếu nại đông người, nhiều đại biểu cho rằng ngoài những nguyên nhân cũ tồn tại trước đây như bất cập về cơ chế chính sách, năng lực cán bộ… còn có những yếu tố thuộc về chủ quan. Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết trên thực tế đã có những vụ khiếu kiện kéo dài hơn 30 năm, đã có kết luận, thậm chí có ý kiến của Thủ tướng, Phó thủ tướng nhưng địa phương không thực hiện. “Chúng tôi cho rằng đây là điều không thể chấp nhận được và đề nghị cần phải công khai tên các địa phương, chủ tịch UBND địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng mới đủ sức răn đe, nâng cao hiệu lực lãnh đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu”, bà Ngà nói.
Đồng tình quan điểm này, thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an cũng cho rằng tình trạng khiếu nại vượt cấp là do địa phương thiếu trách nhiệm: “Qua tiếp xúc xem xét tình hình chúng tôi thấy rằng một số địa phương đùn đẩy, né tránh giải quyết khiếu nại của dân. Thậm chí có nơi cán bộ sợ không dám xuống với dân. Có nơi xuống làm việc nhưng lại mang tính uy hiếp dân”.
Dù chia sẻ với việc cán bộ tiếp dân phải chịu rất nhiều áp lực, song Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng công tác này hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm, thiếu tính công khai, minh bạch. “Phần lớn nội dung khiếu nại tố cáo phải được giải quyết ở cấp tỉnh, đừng để dân phải đi lên trên. Ông cha nói rằng “nói phải củ cải cũng nghe”, nếu đối thoại, giải quyết tốt thì dân không phải vác đơn đi khắp nơi”, ông Phúc nói.
Phó thủ tướng lưu ý, từ ngày 1.7.2014 tới đây, luật Tiếp công dân có hiệu lực thì công tác này phải có sự chuyển biến rõ rệt, phải giảm được số vụ khiếu nại tố cáo vượt cấp. Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Tiếp dân T.Ư Đảng và Nhà nước tăng cường phối hợp các cơ quan hữu trách chuẩn bị công tác triển khai thực hiện luật, tăng cường tiếp dân định kỳ và đột xuất, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra đối với các địa phương không thực hiện các vụ việc cấp trên đã chỉ đạo nhưng làm không đến nơi đến chốn.
Đề xuất tiếp công dân trực tuyến Tại buổi làm việc hôm qua, ông Nguyễn Hồng Điệp kiến nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo, từng bước tiến tới thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư chung một đầu mối, tiếp dân trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Theo ông Điệp, mô hình tiếp dân trực tuyến hiện đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai, cho hiệu quả rất tốt. Cả cơ quan tiếp công dân và nhân dân đều đỡ vất vả hơn khi thực hiện theo mô hình này. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với đề xuất này và yêu cầu các cơ quan hữu quan hoàn thiện thể chế và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân. |
Chính phủ yêu cầu kiểm tra vụ nắn đường Trường Chinh Trao đổi với báo chí bên lề cuộc làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội và Bộ Quốc phòng kiểm tra báo cáo về thông tin nắn đường Trường Chinh mà dư luận nêu thời gian qua. “Việc nắn hay không nắn, dựa trên cơ sở nào sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra báo cáo rõ để người dân biết”, Phó thủ tướng nói. Tại cuộc làm việc với UBND TP.Hà Nội vào đầu tháng 4, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết các khiếu nại của người dân Hà Nội liên quan đến dự án mở rộng đường Trường Chinh đã vượt cấp đến nhiều cơ quan T.Ư, trở thành vấn đề rất “nóng” cần phải được quan tâm giải quyết. Trả lời báo chí gần đây, lãnh đạo TP.Hà Nội thừa nhận có việc “nắn cong” đường Trường Chinh dựa trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng. Việc nắn đường này “không có dấu hiệu tiêu cực mà là công khai minh bạch, đúng thủ tục”, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nói như vậy. Trong ngày hôm qua, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.Hà Nội cho biết, ngày 10.4, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời thành phố nêu quan điểm “bảo lưu” ý kiến đã nêu năm 2007. UBND TP.Hà Nội cũng xác định nếu để đường Trường Chinh đi thẳng thì thu hồi đất giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm khoảng 193 tỉ đồng so với đi cong như trong quy hoạch. |
Thái Sơn
Bình luận (0)