Gần 70% khiếu nại, tố cáo rơi vào đất đai
Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ quốc hội, từ năm 2003 - 2010, cơ quan chức năng các cấp đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hằng năm chiếm gần 70%.
Từ năm 2008 - 2011 tiếp nhận, xử lý gần 700.000 đơn thư với gần 500.000 vụ việc.
|
Trong số đơn thư khiếu nại, các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%; khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Đáng chú ý, báo cáo cho rằng tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.
Qua đó báo cáo chỉ ra việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót.
Theo báo cáo giám sát này, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai là do chính sách đất đai còn nhiều bất cập, thiếu ổn định; giá đất đến bù chưa sát với thị trường; giá đất ở từng khu vực có sự chênh lệch quá lớn.
Ngoài ra, chính sách đất đai qua các năm được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người dân. Từ đó nảy sinh ra sự so bì của người dân xung quanh chính sách bồi thường giữa chính sách cũ và chính sách mới.
Báo cáo cũng chỉ ra việc khiếu nại, tố cáo về đất đai gia tăng còn do sự yếu kém, sai sót của cán bộ thi hành trong việc đo đạc, cấp giấy quyền sử dụng đất. Thậm chí một số cán bộ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho cấp dưới làm sai.
Giá bồi thường “chênh” với giá thị trường
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) chỉ rõ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tăng cao là do hiện nay luật đất đai còn chưa phù hợp, khó thực hiện. Đặc biệt, khung giá đất Nhà nước quy định không sát với giá thị trường, dẫn tới giá bồi thường và hỗ trợ cho người dân không đủ để mua lại đất cùng diện tích, khu vực để sống.
Bên cạnh đó, theo ông Tấn, mỗi năm, các tỉnh, thành đều ban hành khung giá đất mới nên nhiều người bị thu hồi đất đã cố tình kéo dài, trì trệ việc giao đất để được hưởng khung mới cao hơn hoặc tiền trượt giá.
Cùng quan điểm trên, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề giá đất hiện nay có hai cơ chế đã dẫn đến những khiếu nại của nhân dân.
“Giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên người dân không đồng ý. Trong khi đó, giá thị trường cao hơn giá trị thật của đất rất nhiều nên nhà nước không thể trả theo giá đó cho người dân”, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phân tích.
Qua đó, ông Nam cho rằng nên đa dạng hóa các hình thức, có cơ chế thu hồi với dự án công ích và chuyển nhượng với dự án thương mại.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nói thêm, còn có sự chênh lệnh giá đất giữa các vùng quá cao, nhiều lúc chỉ cách một con mương mà giá đất đã khác rất xa.
“Nhiều giá khác nhau sẽ có sự so sánh, khiếu nại của người dân”, bà Duyền nói.
Xử lý nghiêm tham nhũng về đất đai
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị cần hoàn thành chính sách pháp luật; sửa đổi đồng bộ các quy định khiếu nại tố cáo về đất đai, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xử lý nghiêm minh vi phạm, tham nhũng về đất đai để tránh khiếu nại của người dân.
Mặt khác, “hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp nên cần tăng cường vận động cho nhân dân hiểu luật, tự nguyện giao đất được thu hồi, trong trường hợp phải cưỡng chế cần thực hiện an toàn”, ông Tấn nói.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng hiện có quá nhiều văn bản thực hiện luật đất đai và khiếu nại tố cáo, chưa kể các quy định còn được chỉnh sửa nhiều lần.
Ngoài ra, cán bộ bồi hoàn áp giá vận dụng sai quy định luật, cùng một vùng đất, một khu quy hoạch thì các dự án có nhiều mức giá khác nhau đã làm rối thêm tình hình.
Theo đại biểu này, cần sớm sửa đổi luật đất đai và các luật có liên quan. Đồng thời để cơ chế thu hồi do nhà nước thực hiện không để chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị cần rà soát, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ xử lý các vấn đề đất đai từ chuyên môn đến phẩm chất đạo đức.
Qua đó, phải xử lý các trường hợp vi phạm trong giải quyết đất đai để tạo niềm tin cho nhân dân, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, giảm khiếu nại tố cáo.
Chưa chỉ rõ ai phải chịu trách nhiệm Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nêu lên vấn đề dù báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về khiếu kiện, tố cáo đất đai ngày càng gia tăng nhưng báo cáo này chưa nêu được địa chỉ, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương. “Việc chồng chéo, không thống nhất của chính sách đất đai thuộc về ai, bộ nào, ngành nào thì báo cáo cũng cần phải làm rõ”, bà Sinh nói. Theo đại biểu Sinh, hiện có hơn 320 văn bản liên quan đến đất đai nhưng tại sao chính sách đất đai lại có nhiều bất cập như vậy. Phải chăng trình độ của cán bộ soạn thảo, tham mưu và thi hành về chính sách có nhiều hạn chế? Bà Sinh nói: “Có những vụ việc chỉ cần cán bộ nhiều kinh nghiệm giải thích hợp lý là người dân rút đơn ngay nhưng cũng có vụ cán bộ giải thích lòng vòng khiến vụ việc trở nên phức tạp”. |
Viên An - Đình Quân
>> Chống tham nhũng trong quản lý đất đai
>> Dự luật Đất đai sửa đổi: Chưa “bịt” được kẽ hở tham nhũng
>> Khiếu nại tố cáo về đất đai rất nghiêm trọng !
>> Thảo luận về luật Đất đai, Thuế thu nhập cá nhân...
>> Sửa đổi luật Đất đai: Nóng chuyện thu hồi đất
>> Tham nhũng, trục lợi đất đai gây bất bình trong nhân dân
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến
Bình luận (0)