Nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm còn rất cao, chúng tôi thực sự chia sẻ về lo ngại “con đường từ dạ dày đến nghĩa trang” chưa bao giờ ngắn thế.
Do buông lỏng quản lý nên có tình trạng người dân bắt cá trong hồ nhiễm dioxin đem bán |
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế bày tỏ khi trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên chiều 5.12.
Không bao biện hay che giấu thông tin
Cục trưởng Cục ATTP cho biết từ đầu năm đến ngày 4.12, chỉ với 7 cán bộ của Phòng Thanh tra ATTP của cơ quan này đã xử phạt hành chính lên đến 4,3 tỉ đồng nộp ngân sách. Ngoài ra, đã thu hồi hàng chục lô sản phẩm và giấy công bố chất lượng sản phẩm. 2015 là năm ưu tiên cho thanh tra, kiểm tra, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 389 triển khai thanh tra, kiểm tra rất mạnh mẽ, do đó số vụ vi phạm lớn bị xử lý nhiều hơn, mặc dù tỷ lệ chung trên toàn quốc, số vụ vi phạm vẫn chiếm khoảng 20% trong tổng số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được thanh, kiểm tra.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tôi cam kết, tất cả các vi phạm về ATTP do Cục tiếp nhận đều được thông tin minh bạch. Sự việc tại trường tiểu học mà nhà báo đề cập thực sự chưa đủ chứng cứ khẳng định ngộ độc, bởi hôm đó các cháu có tham gia khám sức khỏe định kỳ, trong đó có khám họng, có thể do dụng cụ y tế thao tác khi khám họng khiến một số cháu có buồn nôn, nôn. Chỉ có 1 cháu bị tiêu chảy nhưng là bị từ hôm trước tại gia đình. Không có việc bao biện, hay che giấu thông tin.
Trong trường hợp có vụ ngộ độc hay vi phạm về ATTP, ai sẽ chịu trách nhiệm thông tin? Việc che giấu, không minh bạch các vi phạm ATTP có phải chịu hình thức xử lý?
Khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Chi cục ATTP trên địa bàn có trách nhiệm báo cáo trong vòng 24 giờ, thậm chí phải báo cáo sớm hơn nữa nếu ngộ độc nghiêm trọng có tử vong. Các cơ quan quản lý luôn ý thức về việc này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, không loại trừ việc vì thành tích mà che giấu thông tin. Vừa qua, cũng có địa phương chậm báo cáo về vụ ngộ độc tập thể, chúng tôi cũng đã gay gắt phê bình nhưng vấn đề là không được để lặp lại.
Việc thông tin phải thực hiện nghiêm để người dân được biết. Nhưng tôi cho rằng, với điều kiện công nghệ hiện nay, người dân có nhiều kênh tiếp cận thông tin, mình có giấu cũng không được.
Cần tạo niềm tin để người dân phản ánh sai phạm
Ông có nhận thấy nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm và chấp nhận phạt tiền bởi lợi nhuận. Dư luận cho rằng đã đến lúc phải truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi vi phạm ATTP, xem thường tính mạng người tiêu dùng. Ý kiến ông ra sao?
Có chứ, tôi thấy rất cần có quy định xử lý hình sự chứ không chỉ là xử phạt hành chính, bởi vẫn còn cơ sở vi phạm ATTP, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đang xem xét, kiến nghị để Chính phủ ban hành các văn bản quy định rõ, từng mức độ vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó, một số vi phạm hiện nay hầu như mới chỉ xử phạt hành chính, thu hồi sản phẩm, đóng cửa cơ sở thì sẽ phải xử lý nặng hơn, ví dụ như: cố tình sử dụng chất cấm, sử dụng các sản phẩm đã được cảnh báo ô nhiễm được xác định gây độc hại, tử vong; các vi phạm gây tử vong... Tùy hậu quả, động cơ vi phạm sẽ phải gắn với từng mức phạt tù, chứ không chỉ bồi thường bằng tiền là hết tội.
|
Đúng là việc này chưa được chú trọng. Tới đây, các địa phương cần thông tin đường dây nóng để người dân phản ánh. Một điều tra về ATTP do chúng tôi thực hiện, trong đó có câu hỏi “Vì sao phát hiện vi phạm ATTP nhưng không tố giác” thì có đến 85% trả lời là “ngại va chạm, sợ phiền hà”. Như vậy, có thể một bộ phận người dân chưa tin tưởng việc họ tố giác vi phạm sẽ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đến nơi đến chốn.
Theo đánh giá của ông, chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm hay chưa?
Chúng ta có một khó khăn trong quản lý ATTP, đó là 500.000 cơ sở chế biến, sản xuất vừa và nhỏ, hộ gia đình và rất nhiều làng nghề truyền thống. Nó mang tính sẵn có cho cung cấp thực phẩm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Thực tế này đòi hỏi chính quyền địa phương, cấp cơ sở rất nỗ lực trong giám sát, hướng dẫn và xử lý. Tuy nhiên, nhiều nơi chính quyền địa phương không hề thấy xử lý bất cứ vi phạm nào, tất cả vi phạm chỉ ở mức nhắc nhở, năm này qua năm khác khiến cho các vi phạm cứ tồn tại. Có địa phương buông lỏng quản lý, để cho 8 bếp ăn cung cấp cả ngàn suất ăn mỗi ngày nhưng không hề có chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đó là những vi phạm rất công khai mà vẫn được bỏ qua cho đến khi vi phạm đó gây hậu quả khiến nhiều người ngộ độc thực phẩm.
Lo ngại thực phẩm ô nhiễm hóa chất
Người dân băn khoăn bởi chỉ thấy Cục ATTP ra quyết định đình chỉ, thu hồi sản phẩm vi phạm chất lượng nhưng không thấy thông báo về xử lý sau đó?
Có các hình thức với sản phẩm vi phạm: khắc phục bằng tái chế, chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy. Chúng tôi khẳng định, không có việc chỉ thu hồi trên giấy tờ đâu. Sản phẩm tiêu hủy đều có biên bản ngày giờ, số lượng, hình thức tiêu hủy và chữ ký của các bên tham gia giám sát. Tới đây, việc thông tin về xử lý vi phạm sẽ tiếp tục được chú trọng.
Các vấn đề vi phạm nào khiến cơ quan quản lý lo ngại nhất và sẽ ngăn chặn bằng hình thức nào?
Trong phạm vi Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, chúng tôi vẫn chú trọng đến nguy cơ ô nhiễm hóa chất, chất cấm; phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai, ATTP bếp ăn tập thể và thực phẩm chức năng. Việc giám sát chủ động thông qua lấy mẫu kiểm nghiệm vẫn tiếp tục được duy trì trong năm tới.
ATTP liên quan đến chất lượng giống nòi. Hiện tại tuổi thọ và chiều cao trung bình của người dân đều tăng so với 20 - 30 năm trước, trong đó có đóng góp của dinh dưỡng, thực phẩm và chăm sóc y tế được cải thiện. Nhưng nếu thực phẩm ô nhiễm cũng là một trong những tác nhân gây bệnh: ung thư, ngộ độc trường diễn, ngộ độc cấp tính, thậm chí tử vong. Bởi vậy, chúng tôi cam kết làm hết sức mình trong điều kiện có thể.
Khen ngợi các đơn vị phát hiện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi
* Phát hiện hơn 1 tấn thịt heo bẩn tuồn vào chợ
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa gửi thư khen Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an; Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM và Chi cục QLTT TP.HCM, vì có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp điều tra phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, mua bán, sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua. Cụ thể, gần đây nhất là ngày 25.11, PC46, Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục QLTT TP.HCM phát hiện hơn 200 tấn thức ăn cho heo “lậu” cùng nhiều chất phụ gia chưa được phép lưu hành tại thị trường VN. Trước đó, khoảng tháng 8 - 9.2015, C49 phối hợp với lực lượng QLTT thuộc Bộ Công thương, Thanh tra của Bộ NN-PTNT kiểm tra xử lý nhiều công ty sản xuất thuốc thú y, thức ăn cho heo có chứa chất tạo nạc (salbutamol chứa chất gây ung thư) và tiêu hủy hàng chục ngàn sản phẩm có chứa chất cấm.
* Khoảng 3 giờ ngày 5.12, lực lượng chức năng Hà Nội thu giữ hơn 1 tấn thịt heo bẩn tuồn vào chợ Phùng Khoang (P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiêu thụ. Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, số thịt này bốc mùi hôi thối, ngả màu vàng, đang trong quá trình phân hủy. Bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ hai người là Hoàng Văn Chí (28 tuổi) và Nguyễn Khắc Sáng (43 tuổi, đều trú tại H.Mỹ Hào, Hưng Yên) đã thu gom số heo bệnh, heo chết của người dân tại địa phương. Sau đó, hai người này mang số heo thu gom được về chợ Phùng Khoang để tiêu thụ.
Đàm Huy - Hà An - Minh Chiến
|
Bình luận (0)