Không để hai, ba lãnh đạo chỉ huy một chuyên viên

10/12/2015 05:53 GMT+7

Chiều 9.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Chiều 9.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Theo đó, việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành sẽ được thực hiện trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành. Theo dự thảo nghị quyết, Văn phòng Đoàn ĐBQH có chánh văn phòng, phó chánh văn phòng và có phòng tổng hợp và phòng hành chính - tổ chức - quản trị.
Tại báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Pháp luật của QH cho biết có quan điểm cho rằng không tổ chức các đơn vị cấp phòng trong Văn phòng Đoàn ĐBQH để phù hợp chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tinh giản biên chế. Theo dự thảo nghị quyết, Văn phòng Đoàn ĐBQH có từ 8 đến 12 biên chế, Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu tổ chức thêm 2 đơn vị cấp phòng thì sẽ có từ 3 - 7 biên chế đảm nhiệm chức danh chánh, phó văn phòng và trưởng, phó phòng.
Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, thực tế ở các tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH đều đã có tổ chức cấp phòng với số lượng dao động 3 - 8 phòng. “Nguyện vọng của các địa phương là muốn có cấp phòng”, bà Nương cho biết.
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu không được để xảy ra trường hợp hai, ba lãnh đạo phòng chỉ huy một chuyên viên. Chủ tịch QH lưu ý quy định biên chế của Văn phòng ĐBQH chỉ nên từ 6 - 8 người và cần quy định rõ Văn phòng Đoàn ĐBQH chỉ có một chánh văn phòng, một phó văn phòng và các chuyên viên, không thành lập các phòng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có các chức danh trưởng, phó phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.