Trình Báo cáo thẩm tra dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến nêu ra đề xuất trên vì theo thống kê, số lượng hộ kinh doanh cá thể hiện nay của Việt Nam khá lớn, ước khoảng 3,4 triệu hộ đã được cấp mã số thuế, có đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Mặc dù dẫn định nghĩa về DNNVV của Mỹ, EU đều quy định hộ kinh doanh cá thể là doanh nghiệp và được hưởng ưu đãi từ pháp luật hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, với tên gọi luật Hỗ trợ DNNVV, đương nhiên đối tượng được hỗ trợ phải là doanh nghiệp. Riêng số doanh nghiệp thuộc diện này đã lên tới 520.000. Do vậy, nếu quy định hỗ trợ cả hộ kinh doanh cá thể thì không khả thi.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, ngoài những hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV, với Chương trình hỗ trợ trọng tâm, cần rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung mà ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Về hỗ trợ tài chính, báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhóm thứ nhất tán thành với dự thảo Luật: không quy định cụ thể về ưu đãi thuế trong dự Luật mà tham chiếu đến pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với mức thuế TNDN chung trong dự thảo Luật.
Nhóm ý kiến thứ ba cho rằng nên áp dụng một mức thuế TNDN chung, không cần quy định về mức ưu đãi thuế riêng cho DNNVV. Bởi cản trở hiện nay của DNNVV không phải là mức thuế, mà là các thủ tục về thuế. Vì vậy, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hoá quy định báo cáo thuế cho DNNVV và kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trốn thuế, nợ đọng thuế để tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Nhóm ý kiến này còn cho rằng, hỗ trợ giảm thuế là hỗ trợ trực tiếp, mặc dù không nhằm vào hoạt động xuất khẩu, nhưng cần xem xét khả năng dẫn đến bị áp dụng các biện pháp về chống trợ cấp trong cam kết quốc tế.
tin liên quan
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quá nhiều mâu thuẫnTại phiên họp sáng qua 6.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cho Chính phủ thêm 4 ngày để hoàn thành các thủ tục và chỉnh lý dự luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn hiện nay, cần nghiên cứu, rà soát kỹ, đánh giá tác động cụ thể việc giảm thuế suất cho DNNVV và các biện pháp hỗ trợ về thuế khác để nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, nhưng vẫn không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước hiện tại.
Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, nghiên cứu để đưa ra phương án tối ưu nhất hỗ trợ về thuế cho DNNVV và báo cáo Quốc hội xem xét.
Liên quan đến quy định về nguồn vốn hỗ trợ DNNVV, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định chung về vấn đề hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và dẫn chiếu thực hiện theo quy định của luật Ngân sách nhà nước, luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Theo cơ quan thẩm tra, như vậy việc hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào tình hình cân đối ngân sách nhà nước hằng năm, chưa tạo ra tính định hướng, ổn định trong trung và dài hạn; việc huy động nguồn vốn xã hội cũng chỉ mang khuyến khích nên tính khả thi chưa rõ ràng.
Cơ quan này nhấn mạnh việc hỗ trợ DNNVV là một vấn đề lớn, cấp thiết và lâu dài, thiếu nguồn lực khó có thể thực hiện được, do vậy cần nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo Luật về nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách để có cơ sở bổ sung một dòng ngân sách hỗ trợ cho DNNVV. Tuy nhiên, cần rà soát, tránh mâu thuẫn với luật Ngân sách nhà nước.
|
Bình luận (0)