Kiểm lâm Tiền Giang bao che gỗ lậu

28/12/2014 09:02 GMT+7

Từ đơn tố cáo của người dân, cơ quan chức năng phát hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang đã 'để lọt tội khi xử lý vi phạm hành chính' đối với gỗ lậu.

Từ đơn tố cáo của người dân, cơ quan chức năng phát hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang đã “để lọt tội khi xử lý vi phạm hành chính” đối với gỗ lậu.
Gỗ lậu bị bắt giữ tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang Gỗ lậu bị bắt giữ tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang - Ảnh: H.Ph
Theo kết luận thanh tra do Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cẩn ký ngày 15.12.2014, qua kiểm tra chiếc xe tải 63C-023.28 vào ngày 21.11.2013, lực lượng Công an tỉnh phát hiện tài xế Phạm Văn Thuận (ngụ TX.Cai Lậy, Tiền Giang) chở 35 m3 gỗ xẻ hộp nhóm 3 và 4. Ông Thuận khai số gỗ này của bà Huỳnh Thanh Tuyền (xã Nhị Quý, TX.Cai Lậy) và xuất trình hóa đơn do một DNTN ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xuất bán, đồng thời được Hạt Kiểm lâm Ea H’leo xác nhận vận chuyển bằng xe tải 63C-007.89.
Nhưng qua xác minh, công an xác định bộ hóa đơn chứng từ này “không phải là bộ hồ sơ của lô gỗ vận chuyển trên xe tải số 63C-023.28”.
Kết quả “giám định” của... tài xế
Khi tiếp nhận hồ sơ từ công an, ông Nguyễn Thanh Trúc (Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động) đã lập biên bản và kết luận: “Ông Phạm Văn Thuận đã có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật”.
Thế nhưng, ngày 24.12.2013, ông Trúc đã mời bà Tuyền và những người nhận là “thợ cưa” gồm các ông Huỳnh Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thành và Nguyễn Bá Tòng tới lập biên bản giám định chủng loại gỗ. Thực tế, 3 người này chỉ là tài xế và phụ xế. Từ kết quả “giám định” của... tài xế, ông Trúc lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt bà Tuyền 40 triệu đồng vì “vận chuyển 55 hộp (3,7 m3) gỗ căm xe xẻ hộp từ Đắk Lắk về Tiền Giang không có hồ sơ chứng minh hợp pháp”, dù số lượng gỗ trên xe lên đến 163 hộp...
Trước đó, ngày 14.5.2013, Công an tỉnh kiểm tra xe tải số 66S-6282 và phát hiện 37,2 m3 gỗ bằng lăng không có hóa đơn chứng từ. Theo lời khai của phụ xế Phạm Văn Dũng thì số gỗ này là của ông Trường (H.Chợ Mới, An Giang). Nhưng sau đó, ông Phạm Ngọc Tuấn (H.Lấp Vò, Đồng Tháp) đến nhận là chủ sở hữu và xuất trình hóa đơn mua của Công ty TNHH Sơn Đông. Nhưng khi làm việc với công an, ông Nguyễn Trung Quyến (Giám đốc Công ty TNHH Sơn Đông) nói: “Chúng tôi vẫn chưa xác định được số gỗ trên xe 66S-6282 có phải là của chúng tôi xuất bán cho anh Tuấn hay không”.
Cuối cùng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử phạt ông Tuấn 40 triệu đồng với số lượng 3,9 m3, trong khi số gỗ bị lập biên bản là 37,2 m3. “Việc kiểm tra, đối chiếu để xác định loại ra các hộp gỗ vi phạm của Chi cục Kiểm lâm lần 1 gồm 37 hộp gỗ (11,4 m3) và lần 2 gồm 10 hộp gỗ (4,7 m3) là không có cơ sở, không được pháp luật quy định”, đoàn thanh tra kết luận.
Công an bắt, kiểm lâm giải cứu
Ngoài hai phi vụ trên, ông Nguyễn Thanh Trúc và Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn “giải cứu” thêm vụ thứ 3. Theo đó, ngày 13.6.2013, qua kiểm tra 2 xe tải số 63L-7710 và 63L-9806, Công an tỉnh phát hiện tổng cộng 42,7 m3 gỗ bằng lăng xẻ hộp không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Trong đó cả hai tài xế Nguyễn Văn Kiếm (xe 63L-9806) và Nguyễn Ngọc Thanh (xe 63L-7710) đều xuất trình hóa đơn ghi ngày 14.6.2013 do ông Nguyễn Văn Năm (TX.Cai Lậy) bán cho bà Nguyễn Thị Lệ (TX.Gò Công, Tiền Giang).
Kiểm tra trại cưa của ông Năm, công an phát hiện thêm 95 hộp (23,5 m3) gỗ lậu, tổng cộng là 66,3 m3. Theo lời khai của ông Năm thì toàn bộ số gỗ trên không phải của mình mà ông chỉ xuất hóa đơn “giùm” cho ông Trần Văn Nhuận (xã Nhị Quý, TX.Cai Lậy). Trong khi đó, ông Nhuận khai số gỗ trên là của ông Hoàng Xuân Trung (TP.HCM). Khi bàn giao nội vụ cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang, công an đã xác định: “Lô gỗ 66,3 m3 không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Việc ông Nhuận nhờ ông Năm xuất hóa đơn có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ”. Thế nhưng, sau đó ông Trúc lại tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính và chỉ xử phạt ông Trung 75 triệu đồng.
Kết luận thanh tra cho rằng các ông Cao Văn Thật, Phan Văn Công (Chi cục trưởng, Chi cục phó Kiểm lâm) và Nguyễn Thanh Trúc đã “để lọt tội khi xử lý vi phạm hành chính”. Đặc biệt, có những sai phạm như: “Lập bản kê gỗ tạm giữ nhưng không ghi số hiệu đầu lóng, không có người chứng kiến. Việc mời những người không am hiểu về gỗ để giám định gỗ là hành vi do Chi cục Kiểm lâm tự đặt ra”.
Việc ông Hoàng Xuân Trung chỉ thừa nhận có 12,1 m3 gỗ là không phù hợp với hồ sơ. Không xử phạt các tài xế chở gỗ, ông Năm, ông Nhuận... làm thất thu của nhà nước hơn 250 triệu đồng. Đặc biệt là trường hợp của bà Huỳnh Thanh Tuyền phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng Chi cục Kiểm lâm giữ lại để xử phạt hành chính là trái quy định của pháp luật.
“Phê bình kiểm điểm”
Kết luận thanh tra cũng cho rằng những sai phạm nói trên là “do để thời gian kéo dài nên bị áp lực bên ngoài dẫn đến thiếu sót trong xử lý. Khi giải quyết còn nặng về tình cảm”. Vì vậy, thanh tra chỉ yêu cầu “kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật tương xứng” đối với ông Cao Văn Thật và Nguyễn Thanh Trúc, đồng thời “phê bình kiểm điểm” đối với ông Phan Văn Công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.