Kiến nghị Bộ Công an tránh oan sai trong việc tạm giam bác sĩ vụ chạy thận

27/06/2017 22:15 GMT+7

Hội cấp cứu và Chống độc Việt Nam vừa có đơn kiến nghị lên Bộ Công an liên quan đến việc tạm giam bác sĩ trong sự việc tai biến khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Bác sĩ Hoàng Công Lương, công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, vừa bị bắt tạm giam sau khi xảy ra tai biến chạy thận sáng 29.5, khiến 8 người tử vong ở Hoà Bình.
Liên quan đến sự việc này, chiều 27.6, thay mặt Hội Hồi sức - Cấp cứu và chống độc Việt Nam, GS-TS Nguyễn Gia Bình kiến nghị lên Bộ Công An, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan, trong đó kiến nghị thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận một cách khách quan để tránh oan sai, để nhân viên y tế yên tâm phục vụ người bệnh.
Theo GS Nguyễn Gia Bình, kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân là do nhiễm độc các hóa chất tồn dư trong hệ thống máy lọc nước dẫn vào máy lọc thận. Dựa trên kết quả này, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam bị can Bùi Mạnh Quốc, bị can Trần Văn Sơn và bác sĩ Hoàng Công Lương, Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong khi đó, việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu (các quá trình lọc và khử khuẩn… xét nghiệm, kiểm định sau khi xử lý) là trách nhiệm của BV (Ban giám đốc, các phòng ban và nhân viên kỹ thuật được phân công), bác sĩ không có chuyên môn kỹ thuật và cũng không được phân công làm công việc này.
Theo GS Bình, nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) chỉ là người sử dụng nguồn nước sau khi được bàn giao và thực hiện các quy trình kỹ thuật lọc máu đã được Bộ Y tế ban hành. Tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, kỹ thuật này đã được thực hiện 10 năm nay, đã góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng trăm người bệnh bị suy thận mãn tính tại địa phương mà không phải chuyển về Hà Nội.
Đơn kiến nghị cũng nêu, việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị;… nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Vì vậy, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận bác sĩ Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.
Trong đơn cũng khẳng định việc bác sĩ Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của BV) là hợp lý, vì nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra.
Cho rằng khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính, GS Nguyễn Gia Bình kính đề nghị Bộ trưởng Công an quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận một cách khách quan để tránh oan sai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.