Ký cho vay 500 tỉ đồng, nhưng không biết mục đích vay !

02/03/2017 07:27 GMT+7

Hôm qua (1.3), ngày thứ 3 phiên xét xử sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Tại tòa, trong khi bị cáo Hà Văn Thắm khai có niềm tin khi cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng, thì Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng giám đốc OceanBank phủ nhận việc thỏa thuận với Thắm về chi lãi ngoài và khai không nhận hơn 69 tỉ đồng để chi “chăm sóc khách hàng”, như cáo trạng nêu.
Cáo trạng nêu rõ, từ cuối năm 2008, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Khi đó, Nguyễn Xuân Sơn (Giám đốc Công ty tài chính dầu khí VN) được PVN giới thiệu và giữ chức Tổng giám đốc OceanBank. Tới đầu năm 2009, Sơn đề nghị để huy động được vốn từ PVN, thì OceanBank phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi tiền gửi và bản thân Sơn được toàn quyền quyết định chi phí này. Để có tiền “chăm sóc khách hàng”, Hà Văn Thắm sử dụng Công ty CP BSC VN (do Thắm lập năm 2008) để ký hợp đồng làm dịch vụ với người vay vốn, nhằm thu phí. Theo cáo trạng, việc sử dụng Công ty BSC ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống và một số hợp đồng khác được hơn 69 tỉ đồng. Toàn bộ khoản tiền này được đưa cho Sơn để chi “chăm sóc khách hàng” khiến OceanBank thiệt hại.
Tuy nhiên, bị cáo Sơn lại khai không hề thỏa thuận và bàn bạc với Thắm về vấn đề chi lãi ngoài. “Thường thời điểm ấy các ngân hàng (NH) hay chi lãi ngoài, nhưng với Đại Dương không làm vì như vậy sẽ thành lệ, không làm được. Sơn đã khẳng định là Sơn không bàn với Thắm như vậy”, bị cáo Sơn khai trước tòa. Sơn còn khai, trong suốt thời gian làm Tổng giám đốc OceanBank, bị cáo không bao giờ có chủ trương chi lãi ngoài. Việc Thắm chi lãi ngoài với tư cách cá nhân là được, còn với tư cách NH thì phải do HĐQT của NH quyết định. Trước lời khai của Sơn, thẩm phán Trương Việt Toàn chất vấn: “Nếu bị cáo không đồng ý việc chi lãi ngoài để huy động vốn thì các cộng sự, nhân viên dưới quyền có phải góp mặt ở đây để hầu tòa?”.
Sơn khai, từ năm 2011 về sau này thì OceanBank mới chi lãi ngoài. Tuy nhiên lúc đó bị cáo đã không còn làm việc tại OceanBank.
Trong khi đó, về khoản 69 tỉ đồng chi “chăm sóc khách hàng”, trước tòa, Sơn liên tục phủ nhận và khai chỉ 4 lần nhận tiền từ Thắm. Nhưng số tiền này là dùng để chi cho công tác ngoại giao nhằm phát triển NH. “Bị cáo có nhận tiền một số lần từ Hà Văn Thắm chuyển cho, cụ thể là 3 lần nhận tổng cộng 2,6 tỉ đồng, còn 1 lần nhận 1,9 tỉ đồng. Còn các khoản khác không nhận được”, Sơn khai.
Thấy rủi ro nhưng vẫn cho vay 500 tỉ đồng
Tham dự với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Trần Văn Bình (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dung) khai, bản thân ông chỉ là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh và được Phạm Công Danh nhờ đứng tên hộ Giám đốc Công ty Trung Dung. Về hồ sơ vay vốn 500 tỉ đồng, ông Bình khai có ký nhưng không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn. Sau khi ký xong thì hồ sơ đưa cho kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh. Về nguồn tiền 500 tỉ đồng, ông Bình khai, tiền có chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dung hay không, bản thân ông không biết. Về trình tự thủ tục vay 500 tỉ đồng, ông Bình nói rằng bây giờ biết là sai. Về khoản vay này, Hà Văn Thắm khai: “Thực chất Phạm Công Danh là chủ Công ty Trung Dung. Trong số tài sản đảm bảo vay tiền, bị cáo không lo lắng về khoản tài sản đảm bảo của công ty. Bị cáo vẫn có niềm tin vì Công ty Trung Dung có giá trị thương mại tốt khi có mặt bằng cho BigC thuê, có trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới. Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng từng vay tiền tại OceanBank để mua khu đất ở Đà Nẵng”.
Trả lời câu hỏi của tòa: “Bị cáo có nhận xét gì về hồ sơ khoản vay nói trên?”, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank) khai: “Tại thời điểm đó, bị cáo có nghe các báo cáo của khối nghiệp vụ, phòng kinh doanh. Bị cáo có làm việc và báo cáo lại anh Thắm. Bản thân chỉ thấy có rủi ro là về tài sản đảm bảo”. “Tại sao nhận thấy rủi ro mà vẫn ký hợp đồng tín dụng cho Trung Dung vay?”, tòa vặn. “Bị cáo ký sau khi Hội đồng tín dụng đã đồng ý. Việc ký là theo phân quyền của tổng giám đốc. Việc cho vay, bị cáo đã nắm được khá chi tiết, tuy nhiên ngoài sự phân tích về tài sản đảm bảo và phong tỏa tài khoản, bị cáo chỉ ký rồi giao cho bộ phận khác giải ngân”, Hoàn khai. Tòa hỏi tiếp: “Theo bị cáo, hồ sơ, giấy tờ, phương án kinh doanh, nhân thân, đối chiếu với hồ sơ vay của Trung Dung có phù hợp không?”. Hoàn khai: “Bị cáo nhận thức được rằng khoản vay này hơi yếu về tài sản đảm bảo, nhưng Trung Dung là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, là khách hàng đã vay nhiều lần”. Tòa tiếp tục truy: “Với các sai phạm đó, Viện kiểm sát truy tố bị cáo vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bị cáo thấy sao?”. Hoàn cúi đầu nói nhỏ: “Đề nghị HĐXX xem xét bị cáo chỉ là người làm thuê”.
Mất trắng hơn 1.000 tỉ đồng của doanh nghiệp nhà nước góp vốn vào OceanBank
Trong khi những thiệt hại vô hình, gián tiếp trong đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank khó định lượng thì cáo trạng chỉ rõ, hơn 1.000 tỉ đồng của các doanh nghiệp nhà nước đã bị mất trắng theo OceanBank.
Cụ thể, PVN góp 800 tỉ đồng (20% vốn điều lệ) đến nay theo Viện kiểm sát là không có khả năng thu hồi. Nguyên nhân, do OceanBank bị NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, dẫn tới đơn vị này bị lỗ số tiền góp vốn. Tổng công ty Sông Đà góp 266 tỉ đồng (6,65%) đến nay không thể thu hồi, cũng cần được làm rõ. Do thời hạn điều tra đã hết nên Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã có quyết định tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng việc NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng cũng xem như số tiền hơn 1.000 tỉ đồng mà hai ông lớn PVN và Tổng công ty Sông Đà góp vào coi như mất trắng. Thậm chí, ngân sách còn thiệt hại nặng hơn nữa khi mặc dù mua với giá 0 đồng, nhưng NH Nhà nước vẫn phải gánh hết các nghĩa vụ nợ cho NH đang bị âm vốn này.
PGS-TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả Bộ Tài chính) đề nghị cần phải khởi tố riêng vụ án này, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để thất thoát hàng nghìn tỉ đồng tiền ngân sách, tiền thuế là mồ hôi nước mắt của người dân. “Đầu tư ngoài ngành thua lỗ, rót vốn vào nhà băng gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách thì phải làm rõ trách nhiệm. Cá nhân ông Nguyễn Xuân Sơn tội trạng đã rõ nhưng còn ai nữa, còn đơn vị nào cũng cần phải được kết luận, xử lý để trả lời cho người dân được biết”, ông Long nói.  
 Anh Vũ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.