(TNO) “Truyền nước đến chai thứ ba thì tôi thấy mệt, khó thở. Cô y tá hoảng quá vội đóng van chai nước. Lúc đó nhà tôi chẳng có gì cấp cứu cả và tôi như rơi xuống hố sâu bởi cảm giác mệt xỉu, rét run”, anh Trần Anh T., nhà ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) kể.
Tiêm, truyền phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Anh T. cho biết, do hay đi nhậu quá mức nên gan có vấn đề. Có lần vào viện do men gan tăng cao, đầy trướng bụng, anh T. được bác sĩ chỉ định điều trị trong viện, có truyền thuốc tĩnh mạch. Thấy người khỏe mạnh, anh cho rằng đó là “thuốc bổ” gan nên ghi lại tên thuốc, dịch truyền, hỏi kỹ về liều lượng.
Thời gian dài sau đó, khi có cảm giác mệt mỏi, anh đi tìm “thuê” nhân viên y tế đến nhà truyền “thuốc bổ” cho mình. Hầu hết đều từ chối nhưng có một người do quen biết, quá nể nên giúp anh đến truyền dịch tại nhà và sự cố sốc xảy ra. “May mà không chết. Khổ cả mình, khổ cả người giúp mình”, anh T. nói.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), “truyền nước” là cách gọi của người dân nhưng thực chất đây là một phương pháp điều trị phải có chỉ định của thầy thuốc. Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận, bởi tiêm, truyền có thể gây phản ứng sốc. Việc tiêm, truyền buộc phải thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện đã qua thẩm định, cấp phép. Nghiêm cấm nhân viên y tế làm dịch vụ tiêm, truyền “dạo”.
“Con đường nguy hiểm”
“Có trường hợp từng xảy ra tại một cơ sở thẩm mỹ, khách hàng đến tẩy nốt ruồi, nhân viên tiêm thuốc tê trước khi thực hiện dịch vụ, nhưng chỉ vài phút sau rút kim tiêm, bệnh nhân đã khó thở, vã mồ hôi, tím tái do phản ứng với thuốc, thậm chí đã có ca tử vong do phản ứng quá mạnh với thuốc tiêm”, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Tiêm, truyền chỉ được thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) cho biết thêm, gần đây, bệnh viện này tiếp nhận các ca bệnh sốt xuất huyết vào điều trị, trong đó có cả các trường hợp đã tự truyền dịch điều trị hạ sốt tại nhà.
“Với ca sốt xuất huyết, việc chỉ định bù nước là quan trọng trong những ngày đầu, nhưng có thể bù bằng đường uống nếu bệnh nhân vẫn có thể tự uống. Giai đoạn sau, khi sốt xuất huyết đã lui, việc bù nước phải hết sức thận trọng. Nếu bù nước không đúng sẽ gây ứ dịch, phù phổi, rất nguy hiểm nếu không được xử trí đúng”, bác sĩ lưu ý.
Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y chia sẻ, đường tiêm, truyền thuốc có tác dụng nhanh, mạnh phù hợp với trường hợp bệnh nặng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ hơn so với đường uống, bởi thuốc vào máu trực tiếp, tác dụng nhanh.
“Truyền dịch còn được chỉ định để nuôi dưỡng bệnh nhân quá yếu, quá ốm, suy mòn nhưng chỉ trong một số trường hợp không thể ăn được. Nhưng nhiều người “nghiện” truyền dịch, cứ thấy mệt là đi truyền dịch hoặc khẩn thiết đề nghị cơ sở y tế cho truyền dịch, mặc dù vẫn ăn uống được. Đặc biệt tai hại khi truyền dịch tại nhà bởi nguy cơ nhiễm trùng; sốc dịch mà không có chăm sóc y tế chu đáo. Cần hiểu rõ nguy cơ để “cai nghiện” truyền dịch”, bác sĩ Phúc cảnh báo.
Bình luận (0)