Làm hết sức nhưng sốt xuất huyết vẫn tăng!

17/08/2017 07:07 GMT+7

Trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng, chiều 16.8, UBND TP.HCM làm việc với Sở Y tế, các sở ngành liên quan, lãnh đạo UBND và trung tâm y tế dự phòng của 24 quận huyện, các bệnh viện để bàn về phòng chống, điều trị sốt xuất huyết.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP, cho biết: từ đầu năm đến nay, TP có 12.217 ca mắc sốt xuất huyết (SXH - tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái), 4 ca tử vong. Có 4 quận huyện tình hình bệnh SXH đang rất đáng lo là Q.12 tăng 133%, H.Cần Giờ tăng 125%, H.Hóc Môn tăng 83%, Q.Bình Tân tăng 64%. Bác sĩ Dũng dự báo dịch SXH còn diễn biến phức tạp.
Chỉ đạo đã hết bài, bệnh vẫn tăng
Bác sĩ Dũng cho rằng năng lực phòng chống dịch bệnh của tuyến y tế cơ sở (quận, huyện) còn hạn chế. Chính quyền quận, huyện, phường, xã chưa quyết tâm, e dè trong xử phạt hành chính đối với hành vi để phát sinh lăng quăng gây dịch SXH. Về phía người dân, chưa ý thức, lơ là trong phòng bệnh... Bác sĩ Dũng đề nghị duy trì đội diệt lăng quăng thường xuyên cấp khu phố.
Lãnh đạo UBND các quận, huyện cho biết đã làm, chỉ đạo hết sức, không còn gì để chỉ đạo nữa nhưng SXH vẫn tăng! Các quận, huyện đề nghị UBND TP cần có hỗ trợ cho lực lượng cộng tác viên phòng chống dịch, diệt lăng quăng. Các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh nhiệt đới cho biết đã sẵn sàng thuốc men, vật tư y tế cho điều trị SXH.
Phải kéo giảm trong tháng 8
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu các quận, huyện không được lơ là trong phòng chống SXH. Bởi con số mắc SXH thống kê là chưa đầy đủ, vì TP có dân nhập cư đông. “Dự báo, cao điểm SXH năm nay sẽ kéo dài. Nếu chủ quan, chểnh mảng để dịch bùng phát sẽ ảnh hưởng tính mạng 12 triệu dân; ảnh hưởng đến du lịch TP”, bà Thu nói và chỉ đạo chủ tịch 4 quận, huyện: 12, Bình Tân, Cần Giờ, Hóc Môn (những nơi có số ca bệnh tăng cao nhất) và cả các quận, huyện khác phải có biện pháp chỉ đạo tích cực nhằm kéo giảm SXH tại địa bàn trong tháng 8 này, không để bệnh lan rộng, đặc biệt là từ 23.8 đến giữa tháng 9, TP có Hội nghị APEC.
“Sau cuộc họp này, tất cả các quận phải ra quân diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch môi trường đến tận khu phố. Làm hằng tuần trong giai đoạn bệnh SXH đang tăng cao. Giao Sở TT-TT phối hợp với Sở Y tế TP tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh. Sở TN-MT phối hợp Sở Y tế, thành đoàn tổ chức chiến dịch làm sạch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế hướng dẫn học sinh, sinh viên tại các trường tham gia chiến dịch diệt lăng quăng tại nhà, làm sạch môi trường. Các sở ngành, UBND quận, huyện đẩy mạnh xử lý hành chính những nơi để nước tù đọng làm phát sinh lăng quăng, muỗi”, bà Thu nói.
Ngoài SXH, bà Thu cũng yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình các dịch bệnh khác như: Zika, tay chân miệng, tham mưu UBND TP, Bộ Y tế để có chỉ đạo kịp thời.
Có 9 đơn vị không đến tham dự cuộc họp, trong đó có 4 đơn vị có phép. Bà Thu cho rằng lãnh đạo các đơn vị này không quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh; UBND TP sẽ phê bình các đơn vị này, trong đó đáng lưu ý là Sở TN-MT. Bà Thu lưu ý: “Trong phòng chống dịch Zika vừa qua, Sở TN-MT đã không làm tốt trách nhiệm của mình, giờ đến bệnh SXH cũng vậy. UBND TP sẽ nghiêm khắc phê bình Sở TN-MT.
Số ca sốt xuất huyết tại ĐBSCL tăng cao
Ngày 16.8, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết từ đầu năm đến nay, tỉnh này có 2.400 ca mắc bệnh SXH, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 2 trẻ (ở huyện Tri Tôn và Phú Tân) tử vong. Các huyện Châu Phú, Chợ Mới, An Phú... có số ca mắc cao nhất.
Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, cho biết tính đến ngày 16.8, toàn tỉnh có trên 1.500 ca mắc bệnh SXH, tăng 28% so cùng kỳ năm 2016, nhưng không có ca tử vong. Các địa phương có số mắc SXH cao là H.Trần Đề trên 270 ca, H.Cù Lao Dung trên 182 ca, H.Mỹ Xuyên gần 180 ca, TP.Sóc Trăng trên 200 ca...
Tại Kiên Giang, đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có 761 ca mắc SXH, tăng 33,7% so cùng kỳ 2016, trong đó TP.Rạch Giá, H.Phú Quốc, H.Kiên Lương có số ca mắc cao.
Anh Phương - Hoàng Vân - Thanh Dũng
Bộ đội, dân phòng vào cuộc
Ngày 16.8, UBND TP.Hà Nội có công văn hỏa tốc về việc kiểm tra công tác phòng, chống SXH; thành lập 6 đoàn kiểm tra, triển khai công tác phòng chống SXH tại các quận, huyện từ hôm nay (17.8). Theo đó, mỗi đoàn sẽ kiểm tra tại 5 quận/huyện và một số khu vực dân cư có dịch bệnh...; chú trọng kiểm tra tại 12 quận/huyện trọng điểm về SXH, gồm: Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Xuân, Thanh Oai, Thường Tín và Hoàn Kiếm. Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết riêng tuần qua, toàn TP phát hiện gần 3.600 người mắc mới.
Ngày 16.8, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết lực lượng y tế dự phòng đang tiếp tục chiến dịch phun hóa chất, có sự hỗ trợ của bộ đội và dân phòng. Tuy nhiên, ông Cảm lưu ý phun thuốc diệt muỗi không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại các ổ lăng quăng trong các hộ gia đình. Tại 584 xã/phường/thị trấn của 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, đã thành lập 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy, phụ trách 1,8 triệu hộ gia đình tại các vùng trọng điểm SXH. Từ ngày 12.8 đến nay, các đội xung kích đã đến gần 600.000 hộ gia đình, kiểm tra gần 1,3 triệu dụng cụ chứa nước, qua đó phát hiện và xử lý 190.000 dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy.
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.