Lâm tặc lộng hành

18/10/2014 09:00 GMT+7

Cả kho gỗ quý vừa được tìm thấy tại khu vực rừng giáp ranh giữa Quảng Nam - Đà Nẵng cho thấy tình hình phá rừng đang trở nên hết sức nhức nhối, trong lúc lực lượng giữ rừng ngày càng trở nên quá đơn độc.

 Lâm tặc lộng hành 1
Hàng chục mét khối gỗ được chuyển về trụ sở UBND xã Tư - Ảnh: Hoàng Sơn

“Kho” gỗ lậu

Từ trung tâm xã Tư (H.Đông Giang, Quảng Nam) vào đến điểm đóng Trạm quản lý bảo vệ rừng (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP.Đà Nẵng) mất khoảng 45 phút đi xe máy. Từ đây, để vào khu vực vừa tìm thấy hàng chục mét khối gỗ quý vào hôm 11.10 mất thêm 2 - 3 giờ lội bộ vì đường khó đi. Mặc dù vậy, theo các cán bộ tại Trạm Cà Nhông, xe tải hai cầu vẫn có thể bươn vào tận rừng đặc dụng để chuyển số gỗ tang vật “vô chủ” về.

 Có nhiều phách gỗ quý rộng với khổ 75 cm x 18 cm
Có nhiều phách gỗ quý rộng với khổ 75 cm x 18 cm - Ảnh: Hoàng Sơn

 

Cần nâng cao năng lực cho kiểm lâm

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết Bộ NN-PTNT đã có đề án nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng. Trong đó, Bộ chú trọng nâng cao trình độ nhân lực, tăng cường phương tiện và công cụ hỗ trợ để tạo điều kiện cho kiểm lâm thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đề án này đến nay vẫn chưa được thông qua. “Bảo vệ rừng là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp cho nên cần sớm có đề án này. Qua đó, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng để xứng tầm với công tác bảo vệ rừng trong tình hình mới”, ông Tuấn nói.

Tại UBND xã Tư, khi chúng tôi có mặt đã thấy số gỗ quý được phát hiện nằm trong lâm phận địa phương đã chuyển về và xếp la liệt. Ông Đinh Văn Hươm, Phó chủ tịch UBND H.Đông Giang cho hay, vào ngày 6.10, nhận được tin báo của người dân, tổ liên ngành của huyện đã phát hiện 66 phách gỗ được cất giấu tại khoảnh 5, tiểu khu 37 (thuộc lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa), trong đó có 11 phách gỗ gõ và 55 phách gỗ kiền kiền với khối lượng hơn 14 m³.

Nhiều người chưa hết ngỡ ngàng vì khối lượng gỗ quý được phát hiện quá nhiều thì 5 ngày sau đó (11.10), tổ công tác liên ngành của H.Đông Giang tiếp tục phát hiện hơn 430 phách gỗ kiền kiền được cất giấu tại 9 địa điểm khác nhau. Sau đó, tổ này đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm phía Đà Nẵng vào hiện trường đo đếm. Cụ thể, tại khoảnh 4 tiểu khu 37 (rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa), ngành chức năng phát hiện 4 điểm cất giấu hơn 220 phách gỗ xẻ, khối lượng khoảng 10 m3. Tại khoảnh 1 tiểu khu 65 (rừng phòng hộ địa bàn xã Tư) có 5 điểm tập kết với hơn 210 phách gỗ, khối lượng khoảng 10 m3.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Tư cho biết đây là vụ phá rừng lớn nhất trong vòng 6 năm qua tại rừng giáp ranh. Tất cả gỗ trong 2 đợt kiểm tra phát hiện đều bị khai thác từ lâu nhưng lâm tặc chưa kịp chuyển ra khỏi rừng.

Những người giữ rừng đơn độc

Theo ông Đinh Văn Hươm, cách đây 20 năm, sau khi đã khai thác hết gỗ tại khu vực rừng thuộc lâm phận Đông Giang bây giờ, chính quyền huyện đã đóng cửa rừng. “Số gỗ phát hiện được trong 2 đợt vừa qua chỉ có thể ở rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Tuy nhiên, khu vực rừng bị tàn phá chúng tôi vẫn chưa rõ nên lực lượng kiểm lâm của huyện vẫn đang xác minh”, ông Hươm nói.

 Lực lượng kiểm lâm tại Dốc Kiền (Đông Giang) đang tạm giữ 14 m3 gỗ kiền và gỗ gõ được phát hiện vào hôm 6.10
Lực lượng kiểm lâm tại Dốc Kiền (Đông Giang) đang tạm giữ 14 m3 gỗ kiền và gỗ gõ được phát hiện vào hôm 6.10 - Ảnh: Hoàng Sơn

Trên thực tế, Trạm Cà Nhông chỉ có 5 cán bộ đóng chốt, trong khi khu vực tập kết gỗ lậu cách trạm tới vài giờ đi bộ. Số tang vật 14 m3 được phát hiện gần nhất vào hôm 6.10 cũng đã cách trạm vài chục phút đi xe máy. Thế nhưng, khi được hỏi về trách nhiệm của viên chức làm công tác bảo vệ rừng tại trạm này, ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, đã thẳng thắn: “Họ phải bảo vệ trên 5.000 ha rừng, vùng giáp ranh hơn 37 km nên có chủ quan một số khu vực và để xảy ra vụ việc. Tôi là cấp trên của cán bộ trạm, trước hết là tôi chịu trách nhiệm trước Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng. Còn đối với anh em, ban có trách nhiệm xử lý, kỷ luật, không bao che chuyện này. Chúng tôi là người giữ rừng nên phải xử lý triệt để việc này. Khi nào xử lý việc xong, tôi sẽ báo cáo Sở và chủ động thông tin cho báo chí”.

14 m3 gỗ quý được phát hiện gần Trạm Cà Nhông vào hôm 6.10
14 m3 gỗ quý được phát hiện gần Trạm Cà Nhông vào hôm 6.10 - Ảnh: C.T.V

Chủ tịch UBND xã Tư Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, từ tháng 7.2014, khi tổ liên ngành được thành lập và kiểm tra gắt gao, lâm tặc vùng giáp ranh đã nhắn tin, điện thoại hù dọa một số cán bộ trong tổ. Bản thân ông Bình năm ngoái cũng bị lâm tặc điện thoại đe dọa và phải nhờ Công an H.Đông Giang bảo vệ.

“Chúng tôi không đổ lỗi gì hết”

Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho biết sau khi xảy ra vụ việc, toàn bộ lực lượng kiểm lâm của TP.Đà Nẵng đã được huy động lên túc trực tại khu vực giáp ranh để kiểm tra, xử lý sự việc. “Bây giờ sự việc đã vỡ lở ra như thế thì chúng tôi phải vào cuộc xác minh. Chỗ đó là rừng đặc dụng thì phải khởi tố rồi, rõ ràng chứ không có chối cãi gì nữa”, ông Lương nói.

Ông Lương cho rằng, vụ phá rừng vừa phát hiện liên quan trực tiếp đến chủ rừng, tức là Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đóng tại khu vực này. “Nói tóm lại là kiểm lâm cũng phải chịu trách nhiệm và cùng chủ rừng giải quyết vụ việc này. Rừng thì có chủ nhưng kiểm lâm là cơ quan thi hành pháp luật thì cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi không đổ lỗi gì hết. Nhưng bây giờ xảy ra sự việc thì chúng tôi cùng với Quảng Nam, trực tiếp là H.Đông Giang giải quyết vụ việc”, ông Lương nói thêm.

Hoàng Sơn

>> Bao che cho 'lâm tặc'?
>> Truy bắt nhóm lâm tặc trói, chém dã man bảo vệ rừng
>> Hàng chục lâm tặc hành hung cán bộ bảo vệ rừng, đập nát 5 xe máy
>> Lâm tặc' chở gỗ nghênh ngang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.