Lần đầu tiên T.Ư quy hoạch cán bộ chiến lược

Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí chiều 23.1.

Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí chiều 23.1.

Thượng tướng Võ Tiến Trung - Ảnh: L.Q.PThượng tướng Võ Tiến Trung - Ảnh: L.Q.P
* Đại hội đã bắt đầu bàn về công tác nhân sự, xin ông cho biết về nội dung này?
- Việc này, Ban Chấp hành T.Ư XI đã thảo luận rất kỹ. Nhiều ý kiến đề nghị nên nâng Ban Chấp hành T.Ư lên, vì hiện nay có nhiều nhiệm vụ phát triển, trong Đảng cũng có những bộ phận thành lập thêm, như Ban Kinh tế T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, do đó cần Ủy viên T.Ư.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không cần tăng lên nhiều, 200 là được. Do đó so với khóa trước, tăng Ủy viên T.Ư chính thức từ 175 lên 180, Ủy viên dự khuyết từ 25 xuống còn 20, như vậy vẫn giữ nguyên như cũ là 200, chỉ thay đổi giữa dự khuyết và chính thức.
Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên T.Ư có quy hoạch cán bộ chiến lược, nghĩa là quy hoạch các đồng chí T.Ư, từ đó luân chuyển, đào tạo, chúng ta đã mở 6 lớp đào tạo cán bộ chiến lược, học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Do đó công tác chuẩn bị nhân sự lần này chặt chẽ hơn, thấu đáo, từ cơ sở lên.
Các đồng chí vào T.Ư lần này mà được Ban Chấp hành T.Ư khóa XI giới thiệu đều qua rất nhiều vòng, giới thiệu từ cơ sở, giới thiệu tại Ban Chấp hành, Bộ Chính trị bỏ phiếu, được rồi mới ra T.Ư chính thức giới thiệu.
Lần này, Ban Chấp hành T.Ư giới thiệu 5 đồng chí quá tuổi, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại để mang tính chất kế thừa, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là giữ đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Có 4 đồng chí khác, ở Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Quốc hội, các vị trí đó chưa có người thay thế.
* Vậy tiêu chuẩn cụ thể như thế nào cho các Ủy viên T.Ư để có thể gánh vác trách nhiệm sắp tới?
- Tiêu chuẩn đã nêu rõ trong phương án nhân sự của Ban Chấp hành T.Ư. Đó là những người có năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, và đặc biệt có trách nhiệm với đất nước, có tư duy chiến lược…
Đặc biệt lần này, Bộ Chính trị và T.Ư khóa XI đã đưa ra chỉ tiêu không để lọt những người cơ hội, thiếu phẩm chất đạo đức, người chủ trì đơn vị để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, mất đoàn kết, trù dập cán bộ… vào T.Ư.
Tôi rất tin là T.Ư khóa XII sẽ lãnh đạo đất nước phát triển vững mạnh. Đại biểu hoàn toàn có quyền ứng cử, đề cử.
* Với quy chế bầu cử này, các đại biểu có gặp khó khăn gì không?
- Không có gì khó khăn cả, quy chế này rất thuận lợi. Các đoàn sẽ thảo luận và các đại biểu hoàn toàn có quyền ứng cử, đề cử Ban Chấp hành T.Ư. Khi người được đề cử muốn rút thì do Đại hội quyết định cho rút hay không. Vừa tập trung, vừa dân chủ.
Đồng chí nào muốn ứng cử thì chuẩn bị hồ sơ, theo hướng dẫn đã có trước Đại hội, trong đó có lý lịch trích ngang, nhận xét của địa phương… Không có gì phức tạp, vì đảng viên nào cuối năm cũng có bản kiểm điểm và nhận xét của địa phương nơi mình cư trú.
Đại biểu nào giới thiệu người mới cũng phải có trích ngang để báo cáo trước T.Ư và Đại hội về người đó, và người đó phải cung cấp hồ sơ để các đại biểu đọc, xem xét có xứng đáng không trước khi bỏ phiếu.
Bên cạnh đó, tất các đảng viên đều có hồ sơ lưu tại đơn vị, trong trường hợp cần, Ban tổ chức Đại hội vẫn có thể lấy hồ sơ một cách khẩn cấp.
* Quyền tự ứng cử của đảng viên sẽ được thực hiện ra sao tại Đại hội, thưa ông?
- Hoàn toàn tự do, trong điều lệ Đảng đã nói rất rõ rồi. Muốn ứng cử thì phải gửi đơn ứng cử lên Đại hội kèm với hồ sơ lý lịch, nhận xét của địa phương.
* Tại Đại hội, người ta tự đứng dậy giới thiệu mà không có hồ sơ thì có được không?
- Được chứ. Ban Tổ chức T.Ư sẽ lưu lại tất cả hồ sơ của các đảng viên nên nếu cần, người ta sẽ chuẩn bị. Tất nhiên là trừ những người thuộc Ban Chấp hành T.Ư XI, vì những người này đã được giới thiệu tại các Hội nghị T.Ư 12, 13, 14 rồi và chốt danh sách rồi. Như tôi không được quyền giới thiệu đề cử nữa, vì tôi phải làm điều đó ở các hội nghị T.Ư vừa qua rồi. Biểu quyết rồi, thông qua danh sách rồi. Còn với các đại biểu bình thường (không phải là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư khóa XI và không nằm trong danh sách được giới thiệu tái cử khóa XII - PV) thì được.
* Theo nhiều bản tin, bài báo của các hãng tin quốc tế có đưa tin liên quan tới 2 tên tuổi cho chức danh cao nhất là Tổng bí thư, gồm có đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông có bình luận gì về thông tin này?
Những điều mạng bên ngoài nói các đồng chí Bộ Chính trị ta tham quyền cố vị, phái này phái kia đều bị gạt bỏ.
Trước đó, T.Ư có giới thiệu 4 người ở lại với cương vị này, cùng với đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được Bộ Chính trị thống nhất giới thiệu ra để T.Ư quyết định. Tuy nhiên, cả 4 người được T.Ư giới thiệu thêm đều làm đơn báo cáo lên T.Ư xin rút khỏi vị trí Tổng bí thư. Hội nghị T.Ư 14 đã làm rất dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút, mà đã đưa cả 4 trường hợp được giới thiệu thêm ra trước Hội nghị T.Ư 14 để bỏ phiếu kín, sau đó Hội nghị T.Ư 14 kết luận là để cả 4 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, được phép rút. Như vậy là chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị nhất trí giới thiệu. T.Ư cũng đã hết sức dân chủ. Đoàn kiểm phiếu gồm 22 đồng chí, kiểm phiếu có kết quả là đồng ý cho 4 đồng chí này rút. Các đồng chí thống nhất rất cao giới thiệu một đồng chí ở lại, T.Ư ca ngợi điều này.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dù lớn tuổi nhưng được T.Ư đồng ý là trường hợp đặc biệt để tái cử vào chức danh Tổng bí thư khóa XII.
* 4 người đó đã xin rút, nhưng trong Đại hội có đại biểu ngoài T.Ư lại đề cử 4 đồng chí này thì thế nào?
- Thì vẫn được, và nếu 4 đồng chí đó xin rút hoặc không xin rút, Đại hội vẫn sẽ phải bỏ phiếu hoặc biểu quyết (đó là do quyền của Đoàn chủ tịch) để đưa ra quyết định cuối cùng là có cho rút hay không. Đại hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất.
Nếu Đại hội bỏ phiếu quá bán không cho rút thì các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.