Lãnh đạo chủ chốt TP.HCM học cách ứng phó 'bão' truyền thông

22/09/2017 11:12 GMT+7

Sáng 22.9, Thành ủy TP.HCM tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng xử với truyền thông cho cán bộ chủ chốt TP.HCM.

Tham dự lớp bồi dưỡng này là giám đốc các sở ngành, Bí thư Quận ủy, Huyện ủy và Chủ tịch UBND quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Theo nhìn nhận của nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin - Truyền thông), thời gian qua có nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân có thẩm quyền gặp “bão” truyền thông, tạo ra hiệu ứng tiêu cực về mặt dư luận. Thực trạng này đang và sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hoạt động của cá nhân, tổ chức.

Khi gặp “bão” truyền thông rồi thì phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân; sẵn sàng thừa nhận cái sai của mình và cung cấp kịp thời bằng chứng khi không có lỗi

Nhà báo Lê Nghiêm


Nhà báo Lê Nghiêm cho rằng giải quyết khủng hoảng truyền thông chỉ là phần ngọn. Cái gốc là phải có cách ứng xử phù hợp trong công tác truyền thông, chủ động có những giải pháp căn cơ để ngăn chặn khủng hoảng và “đừng để nhà cháy rồi mới tìm cách dập lửa”.
“Ví như khủng hoảng truyền thông là nhà đang cháy thì ngôi nhà ấy rõ ràng có rất nhiều vật liệu dễ cháy, chất chứa nhiều nguy cơ kéo dài”, nhà báo Lê Nghiêm nói và cho rằng, nhiều cá nhân, tổ chức hiện nay cũng chưa hiểu đúng mức và chưa có cách “chữa cháy” phù hợp, mà phần lớn “chữa cháy theo kiểu ai có xô dùng xô, ai có chậu dùng chậu nên hiệu quả không cao, thậm chí làm cho đám cháy càng lan rộng hơn”.
Về hình ảnh, uy tín của cơ quan nhà nước và cán bộ lãnh đạo, theo nhà báo Lê Nghiêm, cần thiết phải có hoạt động truyền thông bài bản nhằm xây dựng, củng cố và nâng cao, hướng đến có được sự tin tưởng, ủng hộ của công chúng. Tương tự, cũng phải đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông đối ngoại để cải thiện, nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại mở rộng, quan hệ với các nước lớn, tham gia các định chế quốc tế, khu vực…
Nhà báo Lê Nghiêm cũng đưa ra các tình huống cảnh báo cần phải tránh khi xử lý khủng hoảng truyền thông: coi thường công luận, báo cáo không đầy đủ, không đúng sự thật; đưa ra kết luận vội vàng; không dám nhận trách nhiệm; đổ lỗi cho khách quan; đổ lỗi cho nhau, cho người khác; hứa hẹn mà không làm được…
Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề nghị các sở ngành, quận, huyện và cá nhân lãnh đạo các cơ quan, đơn vị không né tránh báo chí. Trong hoạt động điều hành cần chủ động cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch, kịp thời các vấn đề dư luận, báo chí quan tâm, tránh trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.