Nghị quyết quy định sau khi được bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ khi nhậm chức; phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Sáng qua, 24.11, với 433/448 ĐB có mặt bỏ phiếu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.1.2016.
Trong đó đáng chú ý, tại điều 29 của Nghị quyết quy định sau khi được bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ khi nhậm chức; phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Người tuyên thệ quyết định nội dung phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ, thời gian không quá 3 phút. Bên cạnh đó, nội quy kỳ họp thống nhất giữ quy định về thời điểm khai mạc đối với hai kỳ họp thường lệ là vào ngày 20.5 và 20.10 hằng năm; đồng thời bổ sung quy định để tránh khai mạc kỳ họp vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ. Nội quy cũng quy định trường hợp ĐB không thể tham dự hoặc vắng mặt ba ngày liên tục trở lên vì lý do chính đáng thì phải báo cáo xin phép Chủ tịch QH.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban TVQH cũng trình QH xem xét, quyết định ngày bầu cử ĐBQH khóa 14 và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cùng thời điểm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng được giới thiệu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử.
QH cũng đồng ý với tờ trình của Ủy ban TVQH về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên. Cơ cấu của hội đồng được giới thiệu gồm Chủ tịch là Chủ tịch QH đương nhiệm - ông Nguyễn Sinh Hùng; 4 phó chủ tịch (gồm Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ) và 16 ủy viên là đại diện của nhiều bộ, ban ngành. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia với cơ cấu như trên cũng được QH biểu quyết thông qua. Chủ tịch Hội đồng bầu cử sau đó sẽ trình danh sách các phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng để QH phê chuẩn.
Chiều qua, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã đọc tờ trình của Ủy ban TVQH, giới thiệu Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc để QH bầu làm Tổng thư ký QH - một thủ tục đã được quy định tại luật Tổ chức QH (sửa đổi năm 2014). Nhiệm vụ chính của ông Nguyễn Hạnh Phúc trên vai trò kiêm nhiệm mới (ông Phúc vẫn là Chủ nhiệm Văn phòng QH) là tham mưu, phục vụ hoạt động của QH, Ủy ban TVQH, ĐBQH.
Cùng ngày, với đa số phiếu đồng ý, QH đã bầu Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng đã trình QH xem xét phê chuẩn thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia với 21 người, các phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia gồm: Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân.
Công nhận quyền chuyển đổi giới tính
Sáng qua QH thông qua bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có quy định về chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan.
Theo bộ luật mới, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được xác định như sau: Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện quyền dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
Đáng chú ý, với mức độ quan trọng và nhạy cảm, QH đã bỏ phiếu riêng cho điều khoản liên quan đến chuyển đổi giới tính. Kết quả có 399 trong tổng số 446 ĐB có mặt ở hội trường tán thành. Theo đó điều 37 của bộ luật quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Giải trình của Ủy ban TVQH trước khi biểu quyết cho thấy, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), gần 600 người ở VN đề xuất được sửa đổi về giấy tờ hồ sơ cá nhân, từ nữ thành nam hoặc ngược lại, thay tên gọi mới theo giới tính mới đã được phẫu thuật chuyển đổi.
|
Bình luận (0)