Lấp ống xả thải của lò mổ lớn nhất Đà Nẵng

02/08/2016 18:58 GMT+7

Đại diện lò mổ nói không cần áp dụng các biện pháp xử lý tuy nhiên, các ngành chức năng đã yêu cầu dùng bê tông cốt thép để “khóa” miếng cống.

Ngày 2.8, tại cuộc tiếp xúc với tổ công tác liên ngành Q.Liên Chiểu, lãnh đạo của Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) khẳng định không xả thải. Tuy nhiên, nhận thấy nước thải vẫn còn chảy ra môi trường, ngành chức năng quyết liệt yêu cầu công ty này lấp miệng cống.
“Các anh không lấp, chúng tôi sẽ lấp”
Tổ liên ngành gồm đại diện P.Hòa Khánh Nam, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Q.Liên Chiểu, Phòng TN-MT Q.Liên Chiểu, sau khi kiểm tra hiện trường vụ lén xả nước thải ra môi trường, đã trao đổi và bàn hướng xử lý vụ việc với đại diện Công ty CP Procimex Việt Nam (đơn vị chủ quản lò mổ).
Nước thải từ lò mổ vẫn tiếp tục chảy ra môi trường ẢNH: HOÀNG SƠN

Tuy nhiên, ông Dư Đức Tuấn, Tổng giám đốc công ty này cho rằng, đơn vị mình không tiếp tục vi phạm cũng như đã cam kết sẽ không xả thải nữa nên không cần áp dụng các biện pháp xử lý.

Ngay sau đó, đại diện Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Q.Liên Chiểu tiếp tục kiểm tra thêm một lần nữa. Tại hiện trường, các đường ống dẫn từ bể chứa đã được công nhân tháo dỡ và thu dọn. Thế nhưng, nước thải ô nhiễm vẫn đang chảy ra dòng kênh hở phía sau lò mổ. Do đó, Cảnh sát đã yêu cầu công ty phải xử lý bằng cách dùng bê tông cốt thép để “khóa” miếng cống lại.

Hệ thống xả thải sơ sài không thể đảm nhận chức năng xử lý nước thải từ lò mổ ẢNH: HOÀNG SƠN

Trước những bằng chứng này, ông Dư Đức Tuấn vẫn cho rằng không cần thiết phải lấp miệng ống xả.

Ông Lê Duy Hòa, Trưởng phòng TN-MT Q.Liên Chiểu bức xúc: “Các anh không lấp, chúng tôi sẽ làm” và cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải là quá rõ ràng". 

“Tôi là người địa phương ở đây, tôi cũng giống như những người dân khác đều rất bức xúc khi nước thải ô nhiễm bị thải ra môi trường. Trước mắt công ty phải bịt ống xả lại để không tiếp tục gây ô nhiễm”, một cán bộ cảnh sát Q.Liên Chiểu nói.

Công nhân tại lò mổ đã ngắt đường ống nước nhưng nước thải vẫn chảy ra môi trường ẢNH: HOÀNG SƠN

Sau khi những đề nghị của ông Tuấn không được chấp nhận, ông này đã yêu cầu cấp dưới dùng bê tông để lấp miệng ống cống xả. “Tôi sẽ đến hiện trường kiểm tra, giám sát việc này đến cùng”, ông Lê Duy Hòa nói. 

Lò mổ quá tải

Theo ông Tuấn, theo thiết kế ban đầu, lò mổ chỉ giết mổ 600 con heo/ngày, tuy nhiên hiện tại lò mổ phải thực hiện giết mổ 1.200 con/ngày dẫn đến quá tải.

“Hệ thống xử lý nước thải đã được xây dựng cách đây 10 năm với công suất 600 con heo/ngày. Cho nên, hiện tại hệ thống này không còn đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải”, ông Tuấn nói. Ông cũng cho biết, hiện công ty đang nỗ lực để xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới.

Phía công ty này cũng cho hay, TP.Đà Nẵng đã cho thời hạn 5 tháng để đơn vị xử lý việc xả thải chưa đạt chuẩn. Do vậy, trong thời gian này, lò mổ có xả nước ra môi trường thì rất khó đạt chuẩn bởi hệ thống mới chưa được xây dựng.
Nêu những khó khăn của đơn vị, ông Dư Đức Tuấn, cho biết hiện công ty đang rất “khát” vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước.

“Ước kinh phí khoảng 20 - 40 tỉ đồng. Chúng tôi đã xin được vay vốn thế nhưng TP.Đà Nẵng không chấp thuận vì không có tài sản đảm bảo”, ông Tuấn nói.

Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, ngày 8.7, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt trung tâm này 270 triệu đồng vì xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.