Lê Duẩn - một lãnh đạo chiến tranh xuất sắc

05/04/2017 17:12 GMT+7

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Lê Duẩn , nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng đã có bài viết chia sẻ quan điểm của ông.

Cũng như mọi con người, kể cả người bình thường và vĩ nhân, trong cuộc đời hoạt động của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, có đúng và có sai, có thành công và có sai lầm, nhất là trong lãnh đạo xây dựng kinh tế thời hòa bình.
Nhưng tôi nghĩ phải rất khách quan và công bằng với ông, việc nào ra việc ấy, không thể lấy khuyết điểm trong lãnh đạo xây dựng kinh tế thời hòa bình để trừ bớt công lao của ông trong chiến tranh. Mà ngay cả trong xây dựng kinh tế thời hòa bình, cũng không thể phủ nhận sạch trơn.
“Kiến trúc sư” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Nhìn một cách tổng thể, với quan điểm lịch sử và khách quan, ông vẫn là một người lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đã có công lao to lớn với Tổ quốc và dân tộc trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống xâm lược Mỹ, đối thủ mạnh nhất thế giới, mạnh hơn ta gấp nhiều lần, thống nhất non sông về một mối, trong điều kiện có những thế lực không muốn Việt Nam thống nhất và tìm mọi cách ngăn cản.
Thử nhìn lại bối cảnh lịch sử ngày ấy để nhận thức sâu thêm vai trò của Lê Duẩn. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Lê Duẩn là nhà lãnh đạo đã sớm nhận thấy ý đồ lâu dài của các nước lớn đối với Việt Nam. Ông là tác giả của Bản Đề cương nổi tiếng về cách mạng miền Nam mà theo đó, các phong trào nổi dậy đấu tranh cho thống nhất đất nước và chống xâm lược đã nổ ra liên tục, mạnh mẽ, như những làn sóng nối tiếp nhau, chuẩn bị tư tưởng và điều kiện cho các lực lượng vũ trang tiến vào giải phóng miền Nam trong khí thế hào hùng. Các nhà nghiên cứu phương Tây đã từng gọi ông là “kiến trúc sư” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1965, Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thế giới. Trước khí thế như vũ bão của quân Mỹ, bạn bè trên thế giới rất lo ngại cho ta. Họ không muốn ta đương đầu và khuyên ta không nên đương đầu với Mỹ. Trong nội bộ Việt Nam cũng có những ý kiến lo ngại, chần chừ. Lý do chung nhất là sợ Việt Nam không thắng nổi, sẽ thua đau và mất lớn. Thậm chí có thể mất hết thành quả cánh mạng sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ và tốn nhiều máu xương để giành lại độc lập dân tộc qua cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau 8 năm tác chiến tại chiến trường Việt Nam, quân đội Mỹ bị buộc phải rút quân ra khỏi Việt Nam năm 1973, sau khi đọ sức quyết liệt tại chiến trường và trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội. Trong khoảng thời gian 8 năm quân đội Mỹ trực tiếp chiến đấu ở Việt Nam, thì năm 1969, Bác Hồ qua đời, trong thời điểm chính giữa cuộc chiến.
Trước đó, 4 năm đầu của cuộc chiến, tuy đầu óc rất sáng suốt, nhưng sức khỏe của Bác Hồ có phần giảm sút so với trước. Người đã phân công cho đồng chí Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc quan trọng của cuộc chiến tranh. Từ 1969 - 1973, trong 4 năm nửa sau của cuộc chiến và các chiến dịch lớn để kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã diễn ra khi không còn Bác Hồ, người cầm lái tối cao lúc ấy là Lê Duẩn. Tiếp sau đó là cuộc chiến để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, rồi chiến tranh biên giới để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền do một âm mưu đen tối từ bên ngoài.
Hai cuộc chiến tranh biên giới ấy, Tây-Nam và phía Bắc, tôi cộng chung là một, coi như là một, bởi nó giống nhau về “tính chất”, cùng xuất phát từ một căn nguyên. Các cuộc chiến ấy đều do Lê Duẩn cầm lái. Tất nhiên bên cạnh Lê Duẩn còn có một tập thể Bộ Chính trị mạnh và nhiều tướng lĩnh giỏi, nhưng người cầm đầu vẫn giữ vai trò quan trọng nhất.
Trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có rất nhiều chuyện về tài năng xuất sắc của Lê Duẩn. Tôi xin nói về chuyện giải phóng Đà Nẵng hồi tháng 3.1975. Theo chỗ tôi biết, ngày ấy, theo kế hoạch lúc đầu, ta sẽ giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1976, còn năm 1975 thì chủ yếu là giải quyết xong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có trận lớn nhất năm 1975 là trận giải phóng Đà Nẵng, sẽ do quân chủ lực của Trung ương giải quyết. Tất nhiên trong kế hoạch có tính đến một khả năng khi tình hình diễn biến trên chiến trường cho phép thì có thể đẩy nhanh tiến độ để kết thúc vào năm 1975.
Sau khi ta giải phóng Tây Nguyên, lãnh đạo Khu ủy 5 nhận thấy thời cơ có thể giải phóng Đà Nẵng sớm hơn so với dự kiến. Khu 5 đã điện ra Hà Nội đề nghị cho phép giải phóng Đà Nẵng ngay, sớm hơn so với dự kiến ban đầu, bằng các lực lượng của địa phương là chủ yếu, có hỗ trợ của Trung ương. Lúc đầu điện ra chưa thấy các cơ quan hữu quan trả lời, nhưng vì việc gấp nên Khu ủy đã điện trực tiếp cho Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Lãnh đạo Khu 5 nhận được ngay ý kiến trả lời và chỉ đạo của ông: “Nếu thấy được thì làm đi!”.
Một câu trả lời rất ngắn gọn, rõ và dứt khoát. Ông vừa bật “đèn xanh” cho phép tấn công (“làm đi”) vào Đà Nẵng, nhưng đồng thời cũng gắn với trách nhiệm của những người cầm quân đang ở chiến trường (“Nếu thấy được”). Sự chỉ đạo đó không chỉ là tính quyết đoán, mà quan trọng hơn nữa là sự nhạy bén của một nhà lãnh đạo chiến tranh mỗi khi nhận được tín hiệu từ chiến trường. Cuộc giải phóng Đà Nẵng đã thành công nhanh chóng, không phải bằng đại binh, không tốn nhiều súng đạn, không chết nhiều người và thành phố không phải đổ nát.
Sau đó, Lê Duẩn đã đánh giá việc giải phóng Đà Nẵng sớm có ý nghĩa quyết định đối với việc giải phóng Sài Gòn và thống nhất đất nước trong năm 1975. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã chỉ đạo phải “thần tốc” tiến quân vào Sài Gòn để sớm hoàn thành việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đã chỉ đạo cho Khu ủy 5 (lúc đó cũng trực thuộc Bộ Chính trị như Trung ương Cục miền Nam) chỉ để lại một lực lượng vừa phải ở miền Trung, còn tập trung hầu hết lực lượng để tham gia giải phóng Sài Gòn ngay. Lúc ấy có một số đồng chí băn khoăn, sợ khi chúng ta tập trung tất cả lực lượng vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn, coi như bỏ ngỏ miền Trung.
Trong lúc chưa kết thúc chuyện giải phóng Sài Gòn mà địch tấn công trở lại miền Trung thì coi chừng ta lại mất miền Trung và hỏng việc. Đồng chí Võ Chí Công lúc đó là Bí thư Khu ủy Khu 5 được giao nhiệm vụ giải thích cho các đồng chí có ý kiến khác ấy theo tinh thần phân tích của Lê Duẩn là, giải quyết nhanh Sài Gòn thì đó là cách giữ miền Trung tốt nhất. Nếu chưa giải quyết xong Sài Gòn thì địch có tổ chức tấn công trở lại miền Trung không? Trong chiến tranh, khi người ta thấy có đưa quân đến cũng không giải quyết được tình hình thì họ không đến. Còn nếu thấy có triển vọng cứu vãn được tình thế thì họ mới thực hiện.
Việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thực hiện nhanh gọn trong năm 1975 là công sức chung của toàn quân và toàn dân, trong đó đặc biệt ghi nhận tài năng xuất sắc của các nhà lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đất nước, và các tướng lĩnh giỏi. Mặc dù kế hoạch ban đầu dự định giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước trong hai năm 1975- 1976, nhưng thật ra, ngày đó, nếu không giải quyết sớm, trong năm 1975, như thực tế lịch sử đã diễn ra, thì không biết đến bao giờ mới có thể thống nhất được đất nước.
Trong quá trình chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và đấu tranh thống nhất nước nhà, mặc dù có sự giúp đỡ rất quan trọng, không thể phủ nhận của Liên-xô, Trung Quốc và bè bạn trên thế giới, nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến rất “nặng ký” của nhân vật này, nhân vật khác, từ nơi này và nơi kia, can ngăn ta, không muốn ta đánh lớn, không muốn ta sớm thống nhất được đất nước. Họ đã từng nói “việc thống nhất đất nước của các đồng chí là việc rất lâu dài, đời con, đời cháu sẽ tiếp tục giải quyết”, “chổi ngắn không quét được xa”, “cứ kiên trì mai phục, lấy nông thôn bao vây thành thị”…
Ngay cả khi quân ta đang tiến về để giải phóng Sài Gòn, họ cũng tìm cách này, cách khác để ngăn cản. Trong khi cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của ta còn đang triển khai, chưa đến hồi kết, thì có kẻ đã thúc đẩy khẩn trương một cuộc chiến tranh khác, từ biên giới phía Tây-Nam, với âm mưu tạo ra một thế trận “cuộc thứ nhất chưa kết thúc, cuộc thứ hai đã xuất hiện” để ta không thể đối phó nổi cùng lúc hai cuộc chiến.
“Cũng may” là chúng ta đã kết thúc cuộc giải phóng miền Nam sớm hơn một năm so với dự kiến lúc đầu, khi mà cuộc chiến tranh ở biên giới chưa kịp triển khai. Mặc dù vậy, tiếng súng ở biên giới Tây Nam cũng đã bắt đầu nổ chỉ ít ngày sau khi quân ta tiến vào Sài Gòn. “Cũng may” là cách nói vậy thôi, chứ thật ra đó là sự lãnh đạo rất giỏi của Bộ Chính trị lúc đó, đứng đầu là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn.
Thống nhất và hòa hợp
Trong lịch sử nước ta, sau khi Trịnh-Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia cắt, thì nhà Tây Sơn đã đặt nền móng ban đầu cho thống nhất. Sau đó, nhà Nguyễn đã chính thức thống nhất giang sơn. Khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, với sức ép từ nhiều phía, kể cả “từ bên trong”, từ phía giúp ta, và trong điều kiện, hoàn cảnh không thể khác được, đất nước đành bị chia đôi. Ta muốn và ta tính đó là chuyện tạm thời, nhưng kẻ địch và kẻ xấu thì muốn và tính đó là chuyện lâu dài. Tại sao họ lại muốn vậy? Vì có hai nửa Việt Nam, nói cách khác là hai Việt Nam nhỏ, họ dễ chi phối hơn là một Việt Nam lớn, giống như hai miếng nhỏ dễ nuốt hơn là một miếng lớn.
Với điều ấy, lịch sử đã cho ta một bài học có thể rút ra từ thực tiễn về sức mạnh của một dân tộc và quốc gia thống nhất. Gìn giữ sự thống nhất đó là vấn đề có tính nguyên tắc và có ý nghĩa lâu dài đối với tất cả các thế hệ mai sau. Sau năm 1954, ban lãnh đạo của đất nước, đứng đầu là Hồ Chí Minh, và Lê Duẩn tiếp theo, đã đứng ra tổ chức toàn quân và toàn dân ta thực hiện việc thống nhất non sông trở về một mối. Xét tầm vóc và ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất non sông, xếp sau Hồ Chí Minh, theo tôi, cố Tổng bí thư Lê Duẩn cũng là một anh hùng dân tộc. Sử sách cần ghi rõ công lao to lớn của ông để cho đời sau biết được và noi theo trong công cuộc giữ nước lâu dài.
Cũng có ý kiến cho rằng, đã có Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc rồi. Đúng thế, nhưng thêm một người nữa thì càng tốt chứ có sao đâu, miễn là người đó xứng đáng. Những Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… đã cho ta niềm tự hào về dân tộc mình. Và các vị anh hùng ấy đến ngày nay vẫn đang cùng chúng ta bảo vệ Tổ Quốc này. Có thêm ai đó trong danh sách những người anh hùng ấy là có lợi lâu dài cho các thế hệ mai sau, nhất là đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc anh hùng này. Khi viết điều ấy tôi nhớ lại lời của một bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân…”.
Một triều đại nào đó cũng có thể có một hoặc nhiều anh hùng dân tộc và triều đại khác thì chẳng có ai. Những người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh mà xứng đáng là anh hùng dân tộc thì vai trò của người anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh càng lớn lao, vĩ đại. Kể cả cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8.1945 đã giành lại được một đất nước đã mất, cũng như cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu với vai trò và công lao lớn của hai người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh là Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp cũng cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và đầy đủ.
Tôi nói những điều này không phải vì các nhân vật xuất sắc ấy, dù họ rất xứng đáng để tôn vinh, và họ cũng chẳng đòi hỏi gì, mà chủ yếu là muốn có thêm “lực lượng” cho các thế hệ mai sau của đất nước và dân tộc này.
Lê Duẩn là người đã phát hiện rất sớm ý đồ của phương Bắc ngày đó và đã có cách ứng xử bản lĩnh, thẳng thắn. Cũng có ý kiến, dù rất ít, bình luận rằng Lê Duẩn đã ứng xử không thật khéo léo với Phương Bắc? Tôi cũng có nghiên cứu khía cạnh này, nhưng vẫn thấy cái chủ yếu không phải do phía Việt Nam, không phải do ông, mà do “họ” đã có ý đồ sâu xa và đã tính toán kỹ, ngay từ đầu chứ không phải chỉ cuối cuộc chiến.
Hôm nay chúng ta nói lại điều ấy không phải để hận thù dân tộc, mà là để hiểu sâu sắc hơn bản chất của tình hình và có thêm bản lĩnh trong hòa bình hợp tác hữu nghị với các nước lớn và láng giềng để cùng nhau phát triển. Đó cũng là truyền thống của các dân tộc nhân văn và thượng võ. Còn tất nhiên là “họ” rất không thích ông. Bởi ông đã hiểu thấu ý đồ và ruột gan của họ, đủ bản lĩnh để không chịu “thuần phục”.
Ban lãnh đạo đất nước ta ngày đó, đứng đầu là Hồ Chí Minh và tiếp theo là Lê Duẩn, đã cầm lái “con thuyền” vượt qua nhiều cơn sóng lớn, rất hiểm nghèo, trong điều kiện quốc tế rất phức tạp, cùng lúc có sự tính toán thế này và thế kia của các nước lớn đối với vận mệnh của đất nước ta. Thống nhất được đất nước trong hoàn cảnh như vậy quả là không dễ.
Chúng ta đã thống nhất đất nước 42 năm rồi. Đất nước đã thống nhất, nhưng dân tộc thì chưa phải đã hoàn toàn thống nhất. Đây là nỗi đau chưa nguôi từ chiến tranh để lại. Dai dẳng và âm ỉ. Đến nay, dù cuộc chiến đã kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc thì chưa phải đã lành hẳn. Nó vẫn còn đó, dù đã ít đi nhiều. Mỗi khi trái gió trở trời nó lại đau nhức.
Khi chuẩn bị thống nhất đất nước, Tổng bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị ngày ấy đã có chủ trương phải xóa bỏ hận thù chiến tranh, hòa giải và hòa hợp dân tộc. “Ta lại về ta những đứa con. Máu hòa trong máu đỏ như son. Sài Gòn ơi, Huế ơi xin đợi. Tái hợp huy hoàng cả nước non”. Ngày ấy đã có lời thơ như vậy. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là lời thơ của Tố Hữu, thể hiện quan điểm của ban lãnh đạo. Đó là chủ trương rất đúng và rất sớm. Rất tiếc là trong quá trình thực hiện, với cách nhìn và tâm lý tiểu nông, chật hẹp, mà nhiều lúc, nhiều việc không nhất quán theo tinh thần hòa hợp dân tộc, vẫn định kiến hẹp hòi và phân biệt. Do sự không nhất quán ấy, và cũng có một phần do có người tác động chống phá, mà cho tới nay vẫn còn một bộ phận người Việt “chưa hòa hợp”.
Một lẽ khác, do còn có những hạn chế nhất định trong tự do tư tưởng (dù về sau đã có tiến bộ dần), ý kiến khác nhau vẫn còn bị quy chụp, bị đẩy về phía “đối lập” hoặc cho là “chệch hướng” nên có một bộ phận khác, kể cả không liên quan gì đến “hai chiến tuyến” của thời chiến tranh, đã có vấn đề tư tưởng và tâm lý “cách biệt”. Không phải tại họ và đừng trách họ. Lãnh đạo đất nước cần phải tiếp tục giải quyết để hàn gắn, và toàn xã hội hãy cùng nhau chữa lành những vết thương, để cho dân tộc Việt Nam thật sự là một khối thống nhất hoàn toàn và bền chặt. Từ đó mà có thêm sức mạnh trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Thống nhất đất nước và thống nhất dân tộc là mong muốn và ý chí của Hồ Chí Minh, của Lê Duẩn, của toàn quân và toàn dân ta, trong đó có hàng triệu người đã chiến đấu hy sinh và ngã xuống cho mục tiêu ấy. Ngày nay, nếu không tiếp tục giải quyết đến cùng cho sự thống nhất ấy cũng là phụ lòng những con người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh. Mặt khác, trong hoàn cảnh quốc tế như hiện nay, khi còn có người rắp tâm muốn ép ta để chiếm Biển Đông, thì việc tiếp tục hòa hợp dân tộc, chấp nhận sự đa dạng về văn hóa và tư tưởng với mục đích chung là “bảo vệ và phát triển đất nước”, tạo ra một sự cố kết bền vững của toàn dân tộc để có sức mạnh lớn hơn, còn là yêu cầu cấp bách.
V.N.H
Hà Nội tháng 3.2017
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.