Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 4: Tự do, con đường chậm chạp

09/12/2014 15:45 GMT+7

(TNO) Bao nhiêu thế kỷ qua nhân loại mày mò tìm kiếm một kiểu Nhà nước khả dĩ bảo đảm cho tự do của mình.

>> Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 3: Tự do thoát thân từ đâu?
>> Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 2 : Một cách hiểu về 'tam giáo đồng nguyên
>> Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 1: Vua Trần Thái Tông và thời đại khoan dung


So với thời sống dưới cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nước Việt Nam chúng ta ngày nay đã tiến một bước dài tới một xã hội tự do và khoan dung - Ảnh: N.T

Nhìn xa vào lịch sử Trung Quốc, ta thấy một Hán Văn đế. Hán Văn đế, vị vua mà Phật hoàng Trần Nhân Tông từng ca ngợi “trần gian kiệm ước Hán Văn đế”, là vị vua khoan hòa bậc nhất Trung Quốc và là ông vua hiếm hoi xa lạ với tư tưởng “bành trướng Đại Hán”. Hán Văn đế cai trị Trung Hoa cùng thời với Triệu Đà cai trị nước Nam Việt. Dù chúng ta có coi Nam Việt là nước ta như được ghi trong sử sách hay không phải là nước ta như lập luận của thiền sư Lê Mạnh Thát, thì Hán Văn đế vẫn không hề dòm ngó động chạm gì đến nước ta. Thời của ông, và của con ông là Hán Cảnh đế, Trung Hoa hòa bình với bốn phía. Trong nước, thuế má giảm mạnh từ 1/15 xuống còn 1/30 sản lượng, những lúc thiên tai Nhà nước miễn thuế hoàn toàn cả năm cho dân, có vùng miễn tới 3 năm; lao dịch thì người dân 3 năm mới đi một lần thay vì đi hằng năm như trước. Dù thuế má nhẹ nhưng lương thực do dân nộp không đủ kho để chứa, còn tiền thì dùng không hết đến nỗi các dây xâu tiền bị mục nát cả. Hán Văn đế bác bỏ những lời tâu giữ nguyên hình phạt nặng nhằm răn đe dân chúng, ông bãi bỏ nhục hình, hình phạt chỉ được đánh bằng roi, Hán Cảnh đế còn quy định chỉ được đánh vào mông, không cho đánh vào chỗ khác. Tiền của trong quốc khố thừa thải, nhưng chi tiêu của triều đình hết sức thanh kiệm, không xây thêm cung điện, trong cung không dùng đồ bằng vàng, bộ máy quan lại giảm đến mức tối thiểu, quân đội thời bình cho về nhà làm ăn sinh sống, chỉ giữ lại một đội quân thường trực cần thiết để phòng thủ. Bởi vậy mà khắp nơi yên vui, dân “ăn no vỗ bụng đi chơi”. Đó là thời “Văn Cảnh chi trị”, biểu hiện của triết lý “vô vi nhi trị” mà sử sách từng ca tụng. Vua Trần Anh Tông cũng có một bài thơ về Hán Văn đế, ca ngợi ông “hình thố tô khoan diệc chí nhân” (nhẹ hình phạt, giảm thuế má, là bậc chí nhân). 

 
Có lẽ tác hại lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do chính là sự kiên quyết của một số người ủng hộ nó
Friedrich Hayek
Tư tưởng “vô vi nhi trị” ở nước ta được biết từ thời Tiền Lê, thể hiện trong lời của bài thơ “Quốc tộ” mà thiền sư Pháp Thuận đáp lại những ưu tư của Lê Hoàn về vận nước : “vô vi cư điện các/xứ xứ tức đao binh” (vô vi trên điện các/xứ xứ hết đao binh). Tư tưởng đó từng ngự trị ở những giai đoạn hưng thịnh của đất nước. “Vô vi” không có nghĩa là không làm gì hết, “vô vi” là chỉ làm những việc cần làm và không làm những việc không cần làm, nó tương tự như lời chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, “tất cả những gì có lợi cho dân cho nước đều là những việc nên làm, tất cả những gì có hại cho dân cho nước đều là những việc nên tránh”.

Cha ông ta từ lâu đã thấy cái họa của một chính quyền nhiều quan chức và sưu cao thuế nặng. Trần Anh Tông là ông vua nhân từ, khiêm cung hòa nhã, nhưng ban chức tước “hơi nhiều”. Thượng hoàng Trần Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem, rồi phê: “Một nước bé bằng bàn tay sao lại phong quan tước nhiều đến thế?”.

Vào thời Lê - Trịnh, Ngô Thì Nhậm từng tâu với chúa Trịnh: “Thần được nghe quan nhiều thì lại nhiều, lưới thưa thì dân giàu, cho nên Thiên Chu Quan nói ‘Quan không cần đủ’… Thiết nghĩ đường lối nới rộng cho dân, trước hết là bỏ những viên chức tạp nhạp, ngồi không và bớt những công việc phiền nhiễu đi”.

“Lưới thưa thì dân giàu”, tức là ít quan chức, tức là một nhà nước tinh gọn chừng nào thì dân được no ấm tự do chừng ấy. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó. Nhà nước “mạnh” thì dân “yếu” và ngược lại. Chúng ta đang tiến tới mục tiêu “dân giàu nước mạnh”, cần nhớ là “nước mạnh”, chứ không phải “nhà nước mạnh”. Một nhà nước mạnh đem quyền lực của mình bao phủ khắp xã hội không bao giờ là một nhà nước khoan dung.

Ở phương Tây, từ thế kỷ 17, các triết gia tự do, đặc biệt là John Locke đã chỉ ra “quyền tự nhiên” của con người là quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản. Đó là các quyền do tạo hóa ban cho, không ai ban phát và không ai được xâm phạm. Tư tưởng đó dần dần được “thể chế hóa” và lần đầu tiên được hàm chứa trong Hiến pháp Mỹ. Đọc bản Hiến pháp này ta chỉ thấy các điều khoản nhằm giới hạn quyền lực của nhà nước chứ hoàn toàn không thấy ghi công dân có quyền gì. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ ý thức rất rõ về các quyền tự nhiên của người dân, nên trong một số điều khoản của Hiến pháp, do liên quan đến việc chế định quyền lực của nhà nước, có liệt kê ra một số quyền của công dân, nhưng Hiến pháp đã cẩn trọng kèm theo một Tu chính án, đó là Tu chính án số 9 trong 10 Tu chính án thuộc Tuyên ngôn nhân quyền của Hiến pháp Mỹ: “Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân”.

Ở kỳ trước chúng tôi có đề cập đến tự do và khoan dung vẫn có thể tồn tại trong chế độ không phải là chế độ dân chủ, như trong giai đoạn thịnh vượng của nước ta thời Trần. Hiện nay, nhiều người nhầm tưởng hễ có dân chủ là có tự do và khoan dung. Hitler trở thành người cầm quyền tối cao nước Đức chính là bằng con đường dân chủ, nhưng ai bảo nước Đức thời Quốc xã là nước Đức tự do? Friedrich Hayek có lý khi viết: “Chủ nghĩa quốc xã không phải là con đẻ của các giai cấp có đặc quyền đặc lợi, gắn với truyền thống Phổ, mà là con đẻ của đám đông” (*).

Tất nhiên Hitler là “kẻ xấu”. Nhưng việc bầu cho những “người tốt” vào bộ máy quản lý của nhà nước dân chủ có bảo đảm cho nhà nước này trở thành nhà nước tự do không? Chưa chắc! Tochqueville từng cảnh báo về nguy cơ chuyên chế của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít. Còn John Stuart Mill, một triết gia người Anh thế kỷ 19 thì cho rằng, khi chính phủ phình to ra thì ngày càng có nhiều người bị cuốn hút hoặc bị phụ thuộc vào chính phủ và khi các cơ quan của chính phủ càng có nhiều chức năng và nhân viên thì “mối đe dọa đối với tự do càng lớn”. Nếu xu hướng đó không được ngăn chặn thì nền tự do của một đất nước “chỉ còn ở tên gọi mà thôi”. Theo ông, giả sử bất cứ công việc nào của xã hội cũng đều nằm trong tay chính phủ, và giả sử các cơ quan của chính phủ đều thu nhận toàn bộ những người tài giỏi, thì bộ phận còn lại của dân chúng “chỉ còn tham vọng nhất là được chấp nhận vào hàng ngũ chức sắc trong bộ máy quan liêu, được chấp nhận rồi thì mong được thăng tiến trong bộ máy đó” (**).

Thế thì giải pháp nào cho tự do? Tự do chỉ có thể bảo đảm bằng cơ chế giới hạn quyền lực và ngăn chặn sự phình to ra của nhà nước. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tiên liệu sự phình to của nhà nước dân chủ nên đã hết sức cẩn trọng, trước hết là không để cho nhà nước chạm đến “quyền tự nhiên” của công dân và thiết lập sự giới hạn quyền lực của nhà nước, đồng thời đưa ra những quy định khiến cho những điều khoản trong Hiến pháp cực kỳ khó sửa đổi. Tuy nhiên, lớp hậu bối của nước Mỹ vẫn viện nhiều lý do và thông qua nhiều kênh để phình to bộ máy nhà nước. Dù bản Hiến pháp Mỹ hàm chứa khả năng tự điều chỉnh những lệch lạc của chính quyền, nhưng điều này cũng cho thấy nền tự do thường xuyên bị “ức hiếp”.

Con đường dẫn đến một xã hội khoan dung và tự do là con đường chậm chạp, không thể nào “tiến nhanh, tiến mạnh” được. Những thành tựu của nó không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy và những thành tựu đó không bao giờ làm cho người ta hài lòng.

So với thời sống dưới cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nước Việt Nam chúng ta ngày nay đã tiến một bước dài tới một xã hội tự do và khoan dung, nhưng các “nhà dân chủ” vẫn luôn miệng gọi là “Nhà nước toàn trị”. Lẽ ra phải ủng hộ những chính sách của Nhà nước nhằm cởi trói cho doanh nghiệp, cho người dân được tự do làm ăn và khai thông thị trường, cải cách làm tinh gọn bộ máy và giảm thiểu các thủ tục hành chính, chỉ nên chỉ trích những gì trì trệ kìm hãm, thì các “nhà dân chủ” nước ta, ở trong nước cũng như ngoài nước, lại chống tất cả, ngay cả Việt Nam gia nhập WTO để xác lập cơ chế thị trường, họ cũng chống nốt.

Hayek từng nói, người theo chủ nghĩa tự do đối với xã hội cũng giống như người làm vườn đối với cây cối, muốn tạo điều kiện cho sự phát triển tốt nhất của nó, anh ta phải biết càng nhiều càng tốt về cơ cấu và hoạt động của nó. Ông cũng lưu ý, “có lẽ tác hại lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do chính là sự kiên quyết của một số người ủng hộ nó, những người bảo vệ đến cùng một vài nguyên tắc có tính kinh nghiệm” (*). Không có những nguyên tắc bất di bất dịch cho một xã hội tự do, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có cách riêng của mình trên con đường hoàn thiện những định chế của xã hội tự do và sự hoàn thiện này diễn ra hết sức chậm chạp, cho nên theo Hayek, đa số những người truyền bá học thuyết tự do đều đưa ra những  nguyên tắc cứng nhắc, chỉ cần bác bỏ một luận điểm cụ thể nào đó thì cả lâu đài sẽ sụp đổ.

Hoàng Hải Vân

(*) F.A.Hayek, Đường về nô lệ, NXB Tri thức.
(**) Dẫn theo David Held, Các mô hình quản lý Nhà nước hiện đại, NXB Tri Thức.

>> Loạt bài Vẻ đẹp của giá cả của nhà báo Hoàng Hải Vân
>> Loạt bài Nợ công trong vòng xoáy lịch sử của nhà báo Hoàng Hải Vân
>> Loạt bài Ký sự Organic của nhà báo Hoàng Hải Vân
>> Loạt bài Tầm vóc Lê Hoàn của nhà báo Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.