Hôm qua 23.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự thảo luật Dược (sửa đổi), về việc ban hành Nghị quyết quy định cơ cấu, chức năng của Ban Dân nguyện và thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13.
Ảnh: Q.H |
Dự thảo luật Dược (sửa đổi) được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn chưa được thống nhất. Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận T.Ư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định biện pháp kiểm soát giá thuốc được bán trên thị trường, thuốc có hàm lượng lạ trong khâu đấu thầu, quy định giá bán tối đa, tối thiểu của thuốc…
|
Đặc biệt, vẫn còn ý kiến trái chiều về việc cấp phép 1 lần hay 5 năm cho các chứng chỉ hành nghề dược. Góp ý vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Tại sao không cấp 1 lần mà 5 năm lại phải cấp lại?”. Dẫn chứng căn bệnh gai đốt sống lưng của mình, theo Chủ tịch có thầy thuốc đông y lành nghề, chỉ chữa trị cho ông 10 ngày đã khỏi. Trong khi đó, qua bệnh viện chiếu chụp, bác sĩ yêu cầu phải mổ, phải mài, khâu vá rất tốn kém, khổ sở. “Những người này trị bệnh rất giỏi, lúc đầu cấp chứng chỉ cho họ hành nghề. Sau đưa lên ban nọ, sở kia thế là rút luôn vì chưa có trong danh mục. Trong khi có thầy lang, thầy mo chữa bệnh giẫm đạp lên cả người thì vẫn để”, Chủ tịch bức xúc.
Ông Hùng cũng yêu cầu, luật phải quy định khi cấp phép không được gây phiền hà, kèm theo các quy định kinh doanh chặt chẽ, còn nếu không đáp ứng được thì không cấp. “Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm. Có tiền mới cấp không có tiền thì không được cấp. Chỉ cần cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm cấp lại. Luật mình cho tự do kinh doanh, trị bệnh cứu người không được cấm, chỉ cấm trị bệnh lếu láo”, Chủ tịch yêu cầu và lưu ý thêm: “Có người mang toàn thuốc tây ra xay, trộn với thuốc bắc ngửi thơm thơm thế là bán. Người này không có bằng cấp, học hành gì, việc làm đó là hại dân phải loại trừ”.
Trước quan điểm của Chủ tịch QH, bà Trương Thị Mai cho biết theo giải trình của ban soạn thảo, phương án 5 năm cấp lại 1 lần là xu hướng của thế giới. Song cải cách thủ tục hành chính còn chưa tốt, còn nhiêu khê, phức tạp vì vậy xin tiếp thu ý kiến Chủ tịch QH đề xuất thêm phương án cấp phép một lần. “Tôi nghĩ như vậy để rộng đường dân chủ và đồng thời cũng tôn trọng ý kiến của Chính phủ đề xuất 5 năm”, bà Mai nói.
Góp ý thêm, Chủ tịch QH nhấn mạnh, luật Dược khi ban hành phải khắc phục được tình trạng thuốc giả, thuốc rởm; ngăn chặn được các cửa hàng thuốc mượn bằng, treo bằng. Đặc biệt tình trạng “trộn khoai, trộn sắn” vào thuốc kháng sinh để bán kiếm lời. “Nếu cửa hàng nào không đủ điều kiện phải rút ngay”, Chủ tịch yêu cầu.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Thường vụ Quốc hội thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13. Theo báo cáo, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 vị đại biểu QH bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật. Các đại biểu QH đã cơ bản phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân. Song cơ cấu đại biểu QH nhiệm kỳ khóa 13 vẫn còn một số hạn chế đó là tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt thấp so với yêu cầu; số lượng đại biểu công tác trong các cơ quan hành pháp vẫn còn cao. “Có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước”, báo cáo nêu rõ.
Góp ý kiến, bà Trương Thị Mai đề nghị xem xét lại đánh giá trong báo cáo “có đại biểu thiếu bản lĩnh và thiếu trung thực”. “Tôi không biết báo cáo chỉ vào ai. Có đại biểu vi phạm pháp luật thì đúng rồi, còn theo tôi nên sửa lại là có đại biểu phát ngôn thiếu trung thực, phát ngôn chưa đúng mực. Anh Phúc (Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký QH) chỉ ra ai thiếu trung thực, chứ tôi không biết chỉ ai”, bà Mai nói.
Tiếp tục thảo luận, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý, báo cáo cần bổ sung thêm nội dung: QH khóa 13 đã bãi nhiệm tư cách hai đại biểu. "Hai đại biểu là nữ, thuộc khối doanh nghiệp. Đầu vào không chặt chẽ nên buộc phải xử lý", ông Sơn nói.
Liên quan đến cơ cấu, chức năng của Ban Dân nguyện, Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền cho biết kể từ năm 2003, Ban đã phối hợp và tiếp 92.160 lượt công dân, trong đó có 1.226 đoàn đông người. Tính trung bình mỗi năm, Ban Dân nguyện đã trực tiếp và tham gia phối hợp với cơ quan khác tiếp khoảng 5.400 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Ban cũng tiếp nhận, phân loại, cập nhật 244.984 đơn, thư của công dân.
|
Bình luận (0)