Mặn tấn công nguồn nước

03/03/2011 03:50 GMT+7

Ngành cấp nước TP.HCM đang rất lo lắng trước tình hình nước mặn xâm nhập sâu vào sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đe dọa nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt.


Nhà máy nước Cần Giờ đã giảm phân nửa sản lượng mỗi ngày do nước trên sông Nhà Bè mặn như nước biển - Ảnh: Mai Vọng

Chưa từng thấy

Tình hình mặn xâm nhập nghiêm trọng đến mức ông Võ Quang Châu, Phó TGĐ TCT cấp nước Sài Gòn (Sawaco), phải thốt lên: "Từ trước đến nay, tôi chưa thấy năm nào mặn lại diễn biến phức tạp và căng thẳng như vậy. Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đe dọa nghiêm trọng các nhà máy cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân thành phố".

Theo ông Châu, thời gian nhiễm mặn thường trùng vào các đợt triều cường trong mùa khô. Trên sông Sài Gòn, từ đầu năm 2011, độ mặn có chiều hướng tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp, đặt tận trên H.Củ Chi. Từ ngày 20-31.1 vừa qua, độ mặn nước sông Sài Gòn đo tại trạm bơm nước thô này tăng cao, nhiều giờ trong ngày đã vượt quá 100 mg/lít. Các ngày 29-31.1, độ mặn trung bình ngày đã vượt 100 mg/lít, có thời điểm lên tới 270 mg/lít trong khi mức cho phép chỉ là 250 mg/lít. Từ ngày 1-8.2 vừa qua, độ mặn vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, có thời điểm lên tới 258 mg/lít. Sau khi hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) xả nước xuống đẩy mặn thì độ mặn trên sông Sài Gòn mới bắt đầu giảm xuống dưới 100 mg/lít.

Chưa thấy năm nào mặn lại diễn biến phức tạp và căng thẳng như vậy

Ông Võ Quang Châu

Sông Đồng Nai cũng tương tự. Tại trạm bơm Hóa An vào ngày 7.2 đã lên đến 260 mg/lít, vượt mức cho phép. Từ ngày 2 - 14.2, có từ 2-4 giờ trong ngày, độ mặn nằm trong khoảng 200 mg/lít, trong khi độ mặn trên 200 mg/lít chiếm nhiều giờ trong ngày (khoảng 30-50% thời gian trong ngày). Tại trạm bơm nước thô của Nhà máy nước BOT Bình An (cung cấp khoảng 100 ngàn m3 nước sạch mỗi ngày), từ ngày 31.1 - 14.2, độ mặn trên mức tiêu chuẩn cho phép chiếm khoảng 50% thời gian trong ngày, có thời điểm trong ngày độ mặn đã lên tới 1.000 mg/lít, vượt gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép và vượt quá khả năng xử lý của Nhà máy nước BOT Bình An. Vì vậy, nhiều thời điểm nhà máy nước này buộc phải tạm thời ngưng hoạt động do độ mặn trên sông quá cao.

Ông Trương Khắc Hoành, Phó TGĐ Công ty cổ phẩn BOO Thủ Đức, cho biết vào thời kỳ cao điểm tết năm ngoái, độ mặn cao nhất tại khu vực lấy nước thô của nhà máy là 180 mg/lít, thì năm nay có những lúc đã lên 200 - 220 mg/lít.

Nhà máy nước Cần Giờ của Công ty CP Đặng Đoàn Nguyễn lọc nước mặn thành nước ngọt cũng khốn khổ. Bà Đông Đào, Giám đốc công ty, than thở: Từ tháng 11 năm ngoái, độ mặn trên sông Nhà Bè tại xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ đã bắt đầu tăng dần. Bình thường, độ mặn tại đây dao động từ 500-1.500 mg/lít, thì thời điểm hiện nay đã lên từ 2.400 - 3.400 mg/lít, tức là mặn như nước biển. Năm ngoái, thời điểm này độ mặn cao nhất cũng khoảng 2.800 - 2.900 mg/lít. Năm ngoái, công ty đã đầu tư thêm một dàn lọc nước có thể xử lý độ mặn đến 2.200 mg/lít bên cạnh 2 dàn lọc loại 1.500 mg/lít. Với độ mặn quá cao như hiện nay, nhà máy phải lọc đến 2 lần mới có thể cho ra nước ngọt bình thường. Vì vậy, sản lượng giảm phân nửa, chỉ còn khoảng 2.300 - 2.500m3/ngày.

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn trên các sông ở Nam Bộ từ ngày 21-28.2 đã vào sâu hơn so với cùng kỳ năm 2010. Tháng 3 và tháng 4 tới sẽ là 2 tháng cao điểm của xâm nhập mặn ở Nam Bộ, khả năng mặn có thể vào sâu 60-70 km ở ĐBSCL, tính từ cửa biển. Ở các vùng giáp ranh giữa mặn và ngọt thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng,... có thể lợi dụng thời kỳ thủy triều kém để bơm nước ngọt dự trữ cho sinh hoạt và sản xuất, vì khi triều cường dâng cao, nước sông sẽ bị nhiễm mặn. Ông Giám khuyến cáo độ mặn trên sông từ 1.000 mg/lít trở lên không nên bơm tưới vào đồng ruộng, vì trong thời kỳ mùa nắng này, nước trên đồng sẽ bốc hơn nhanh, làm tăng độ mặn, có thể làm cho cây lúa, hoa màu kém phát triển hoặc chết.

Nguyên nhân khiến cho độ mặn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tăng cao, theo Sawaco, là do ảnh hưởng của triều cường đã đẩy nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền. Trong khi đó, lượng nước tích lũy ở thượng nguồn từ hồ thủy lợi Dầu Tiếng (sông Sài Gòn) và hồ thủy điện Trị An (sông Đồng Nai) đều giảm hơn so với các năm trước. Do vậy, lượng nước từ thượng nguồn xả xuống không đủ lớn để đẩy lùi lưỡi mặn do triều cường đẩy lên các sông. Nguyên nhân sâu xa hơn, theo các công ty cấp nước, đó là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, của tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn và nhiều con sông bị chặn dòng chảy...

Giảm sản lượng

Ông Võ Quang Châu cho biết dù nguồn nước sông đang có chiều hướng xấu hơn do các nguồn ô nhiễm và mặn ngày càng nghiêm trọng hơn, nhưng chất lượng nước đầu ra của các nhà máy nước vẫn đảm bảo đúng theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Để có thể chủ động đẩy lùi giảm mặn, Sawaco đã kết hợp với các đơn vị quản lý vận hành hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An để xả nước xuống kịp thời khi có yêu cầu. Đây là giải pháp chủ yếu và đang thực hiện rất hiệu quả. Nhưng giải pháp này còn phụ thuộc vào khả năng tích nước và xả nước của các hồ vào thời điểm có yêu cầu cần xả nước.

Tuy nhiên, Sawaco cho biết các nhà máy nước có thể sẽ giảm sản lượng trong một vài giờ trong ngày vào những tháng mùa khô tới, khi độ mặn tại các trạm bơm nước thô tiếp tục tăng cao hơn, ngoài khả năng xả nước đẩy mặn của các hồ chứa ở thượng nguồn.

Về lâu dài, Sawaco nghiên cứu di dời điểm tiếp nhận nguồn nước thô lên các hồ chứa ở đầu nguồn Dầu Tiếng, Trị An…Phương án này nếu thực hiện cần có sự nghiên cứu bảo vệ các hồ chứa nước, hạn chế tối đa các hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực hồ chứa. Hoặc có thể nghiên cứu phương án xây dựng hồ sơ lắng, là nơi tiếp nhận lưu giữ nguồn nước thô, để khi nguồn nước sông bị ô nhiễm hay nhiễm mặn thì sẽ không lấy nước sông mà sử dụng nước dự trữ trong hồ này; khi nước sông giảm ô nhiễm hay nhiễm mặn thì lấy nước vào hồ chứa dự trữ trở lại.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.