Dự kiến việc mở rộng này sẽ bổ sung thêm 30 - 35 chỗ đỗ máy bay, giảm tải tắc nghẽn mặt đất cho sân bay Tân Sơn Nhất trong vài năm tới.
|
Trước đó, tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất càng trở nên căng thẳng hơn khi lượng khách đi/đến sân bay này năm 2016 tăng trưởng nóng, xấp xỉ 32,5 triệu lượt khách, tăng cao hơn nhiều so với năm 2015 (công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất là 25 triệu lượt khách/năm). Việc thiếu sân đỗ nghiêm trọng trong khi số lượt chuyến bay cất/hạ cánh tăng mạnh đẩy Tân Sơn Nhất vào cảnh tắc nghẽn dây chuyền cả ở mặt đất và trên bầu trời. Nếu năm 2015 chỉ có 35 chuyến bay vào giờ cao điểm thì năm 2016, con số này đã tăng lên đến 40 - 42 chuyến, khiến các chuyến bay thông thường phải chờ từ 15 - 30 phút, thậm chí trên 1 tiếng.
Để giảm tải cho điểm nóng Tân Sơn Nhất, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu bàn giao khu 21 ha đất quốc phòng để xây dựng sân đỗ máy bay. Cuối tháng 12.2016, Bộ GTVT cũng có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng chấp thuận bàn giao khu vực 21 ha sân đỗ để xây dựng sân đỗ máy bay dân dụng và giao cơ quan đầu mối là Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) tiếp nhận.
tin liên quan
Phải mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ngay trong 2017Ngày 9.2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu trên khi làm việc với Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Bộ Quốc phòng để bàn phương án điều chỉnh quy hoạch nhằm mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, việc được bàn giao 21 ha từ đất quốc phòng sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề thiếu sân đỗ trầm trọng của Tân Sơn Nhất. Diện tích đất này sẽ được dùng để xây dựng đường lăn, sân đỗ máy bay dân dụng trong khu vực bay nhằm đảm bảo nhu cầu vận chuyển tăng thêm 10 triệu hành khách/năm của sân bay. Hiện Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng cho 50 vị trí đỗ máy bay trong khi nhu cầu là 67 vị trí. Sau khi nhận bàn giao, trong năm 2017, theo yêu cầu của Bộ trưởng GTVT, Cục Hàng không và ACV sẽ hoàn tất việc đầu tư xây dựng thêm một đường lăn, sân đỗ. Dự kiến sẽ xây thêm từ 30 - 35 vị trí đậu máy bay, tùy theo nhu cầu các hãng hàng không, Cục sẽ tính toán bố trí các vị trí đậu cho từng loại máy bay.
“Hạ nhiệt” cho Tân Sơn Nhất
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV, cho biết công ty này đã hoàn thành cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách quốc tế T2 Tân Sơn Nhất giai đoạn 1, nâng công suất từ 10 triệu lên 13 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, chủ trương triển khai xây dựng nhà ga lưỡng dụng công suất 10 triệu hành khách/năm cũng đã được thông qua cho Công ty cổ phần lưỡng dụng Ngôi sao Việt. Được biết công ty này đã hoàn thành nghiên cứu khả thi, nếu triển khai trong quý 1/2017 sẽ mất khoảng 12 tháng để hoàn thiện dự án. Tổng công suất thiết kế của cả nhà ga T1, nhà ga T2 và nhà ga lưỡng dụng sẽ đạt 38 triệu lượt hành khách/năm.
Theo phương án mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất được đơn vị tư vấn ADCC đưa ra, dự báo năm 2017, Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách, con số này sẽ tăng lên 45 - 49 triệu khách vào năm 2018 - 2020. Với việc tiếp nhận 21 ha đất từ Bộ Quốc phòng, đơn vị này đề xuất xây dựng thêm một đường lăn thoát nhanh, một đường lăn song song và triển khai làm sân đỗ tại khu vực 21 ha, đầu tư nhà ga lưỡng dụng T3, nhà ga hành khách T4 cùng có công suất 10 triệu lượt hành khách/năm trên khu vực của Trung đoàn 917, Lữ đoàn 918 hiện nay, nâng công suất lên 42 - 43 triệu lượt hành khách/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 19.700 tỉ đồng. Đây cũng là phương án được lựa chọn để hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 25.2.
tin liên quan
Tốn kém gửi máy bay qua đêmCục Hàng không VN vừa yêu cầu các hãng đưa máy bay về đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chủ trương này không hợp lý và sẽ phát sinh chi phí rất lớn cho các hãng.
“Với tất cả các giải pháp triển khai, Tân Sơn Nhất sẽ giảm tải được rất nhiều tình trạng thiếu chỗ đỗ, đường lăn. Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, tới năm 2020 Tân Sơn Nhất cũng chỉ đáp ứng được khoảng 43 triệu, cao nhất là 45 triệu lượt khách, đây cũng là kịch ngưỡng của Tân Sơn Nhất vì khả năng tiếp nhận máy bay của sân bay này chỉ có hạn. Nhưng việc mở rộng để giảm tải rất cần thiết trong vài năm tới khi chờ sân bay Long Thành được xây dựng”, ông Lê Mạnh Hùng cho hay.
Dự kiến, sau khi hoàn thành những hạng mục phía trong sân bay, các tuyến giao thông bên ngoài dẫn vào cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục được tạo tính kết nối trong việc giảm tải áp lực giao thông tại TP.HCM, hạ nhiệt điểm nóng Tân Sơn Nhất.
Bình luận (0)