"Móc ruột" sông Lam

13/01/2011 12:30 GMT+7

Bất chấp đôi bờ sông Lam (Nghệ An) đang sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ vẫn ngày đêm móc ruột lòng sông để lấy cát, sạn.

“Từ đầu năm 2010 đến nay chúng tôi không cấp phép cho doanh nghiệp nào được phép khai thác cát, sạn trên địa bàn tỉnh, trong đó có sông Lam. Trước đó có 6 doanh nghiệp được cấp phép nhưng đã hết hạn”, đó là khẳng định của ông Lê Quang Huy - cán bộ Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An).

Thế nhưng, dọc sông Lam từ cầu Bến Thủy lên đến huyện Anh Sơn dài hơn 100km, theo quan sát của chúng tôi, suốt từ năm 2010 đến nay mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ vẫn vô tư móc ruột lòng sông lấy cát, sạn.

Ngay tại chân cầu Bến Thủy (TP Vinh), một bãi tập kết cát khổng lồ, xe cộ vào ra nhộn nhịp như một đại công trường. Hàng chục bãi tập kết khác ở các huyện dọc sông Lam cũng sôi động không kém, cạnh các bãi tập kết, tàu thuyền khai thác trái phép hoạt động vô tư như chốn không người giữa ban ngày.

“Đó là cát khai thác trái phép cả đấy”, ông Huy nói.

Dọc bờ sông Lam, người dân nhiều địa phương đang kêu trời không thấu vì nạn lở đất. Nguyên nhân hàng đầu vẫn do nạn khái thác trái phép cát sạn đã làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông. Thậm chí, ngay gần các mố cầu cũng bị “sa tặc” chọc vòi xuống để hút cát. Tại các xã Tràng Sơn, Ngọc Sơn, Bồi Sơn, Lam Sơn thuộc H.Đô Lương, có nơi sông đã “gặm” vào đất nông nghiệp và đất ở của dân hàng chục mét.

Thượng tá Nguyễn Đình Minh, Phó phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Nghệ An thừa nhận mặc dù không có đơn vị nào được cấp phép, nhưng hiện nay ở Nghệ An có trên 200 tàu thuyền chuyên hoạt động khai thác cát, sạn trên sông với hơn 50 điểm tập kết.

“Chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhưng khi phát hiện khai thác trái phép, cũng chỉ xử lý hành chính rồi thôi, không thể giữ phương tiện được vì xử lý rất phức tạp”, ông Minh nói. Phạt xong lại tha nên khi CSGT quay về, “sa tặc” lại tiếp tục hoạt động.

Trao đổi với PV, ông Đinh Viết Hồng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An thừa nhận việc phối hợp giữa các ngành chưa tốt, các địa phương gần như buông lỏng quản lý, xử lý nạn khai thác tràn lan này.

“Để quản lý tốt hơn, chúng tôi sẽ tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký cấp phép để họ hoạt động đúng qui định. Loại khoáng sản này quản lý rất phức tạp trong khi nếu chỉ để Sở Tài nguyên Môi trường gánh một mình trách nhiệm thì không thể làm xuể”, ông Hồng nói.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.