Mỗi năm, gần 5000 phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Malaysia, Singapore bán dâm

21/04/2015 12:14 GMT+7

** Bán thận 1 tỉ đồng, trả người bán 50 triệu đồng (TNO) Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo Xây dựng chương trình hành động phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ đã tổ chức ngày 21.4 tại TP.HCM.

(TNO) Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo Xây dựng chương trình hành động phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ đã tổ chức ngày 21.4 tại TP.HCM.

Hơn 3,800 người là nạn nhân mua bán người tại Việt Nam
Theo đại tá Lê Văn Chương, Phó cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (C42) Bộ Công An, tình hình mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đang diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi của tội phạm trên cả 63 tỉnh thành.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, trong hơn 4 năm từ 2011-2015, các địa phương đã phát hiện xảy ra gần 2.000 vụ mua bán người với hơn 3.800 nạn nhân. Số nạn nhân tăng 11 % so với cùng thời gian trước (giai đoạn 2006 - 2010).
Địa phương xảy ra nhiều vụ mua bán người tập trung tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Lạng Sơn. Ông Chương cho biết số vụ được ghi nhận qua lực lượng công an, báo chí, người dân và nạn nhân. “Con số thật còn nhiều hơn,” ông Chương cho biết.
85% nạn nhân là phụ nữ
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ, đa số bọn tội phạm lợi dụng tình trạng khó khăn kinh tế, thất nghiệp, dân trí thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp khoặc ra nước ngoài. Trong đó, trên 85% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Trên 90% số vụ là buôn bán ra ngước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Lực lượng công an đã điều tra khám phá gần 1.200 vụ và bắt trên 2.000 đối tượng.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng đã bắt 510 đối tượng, trực tiếp giải cứu 564 nạn nhân và tiếp nhận gần 500 nạn nhân khác.
Ông Chương nêu lên thực trạng đáng báo động của nạn mua bán người qua việc người nước ngoài xem mặt chọn vợ tại các tính phía nam. Bên cạnh đó nổi lên tình trạng bắt cóc học sinh, sinh viên với 18 vụ trong quý 1.
“Nổi lên tình trạng lo ngại là đưa lao động ra nước ngoài trái phép, môi giới kết hôn giả qua xuất khẩu lao động, tham quan và du lịch. Mỗi năm có khoảng 3.000 người bị đưa sang Malaysia và 2.000 người sang Singapore lao động trái phép, thực sự là hoạt động mại dâm,” ông Chương nói.
Hơn 3,800 người là nạn nhân mua bán người tại Việt Nam
Bán thận 1 tỉ, hưởng 50 triệu
Hội nghị cũng nêu ra vấn đề nhức nhối của việc bán nội tạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh cũng như sức khỏe của nạn nhân.
“Việt Nam vốn là địa bàn trọng điểm và trung chuyển của nạn mua bán người. Gần đây còn nổi lên tình trạng mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh và nội tạng,” đại tá Chương cho biết.
“Ở Huế đã có hàng ngàn trường hợp bán thận. Bọn tội phạm đã lừa nhiều người. Chúng bán đến 1 tỉ đồng nhưng chỉ đưa người bán 50-100 triệu. Trường hợp bị đưa sang Trung Quốc đến các bệnh viện tư (để bán thận) và mất sức khỏe ở tỉ lệ rất cao.”
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động Phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015,
Ngành Lao động, Thương binh Xã hội đã hỗ trợ cho gần 1,800 nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, chữa bệnh và trợ giúp pháp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.