Một lao động Việt Nam bị bắn chết ở Angola

08/10/2015 16:45 GMT+7

(TNO) Đại sứ quán Việt Nam tại Angola vừa cho biết, một lao động Việt Nam đã bị bắn chết tại khu vực Viana (tỉnh Luanda) ngày 4.10.

(TNO) Đại sứ quán Việt Nam tại Angola vừa cho biết, một lao động Việt Nam đã bị bắn chết tại khu vực Viana (tỉnh Luanda) ngày 4.10.

 
lao-dong-bi-ban-chetThông tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở Angola về trường hợp công dân xấu số 
Theo Đại sứ quán, anh Lê Văn Quế, sinh ngày 20.8.1983, quê quán thôn Linh Trung, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bị toán cướp có vũ trang bắn chết.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Lê Văn Quế đã sang Angola từ năm 2013 theo con đường lao động “chui”. Tại Angola, anh Quế bị chủ sử dụng nợ lương, quỵt tiền nên công việc không ổn định.
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam, công sứ Vũ Thanh Nam đã gửi lời chia buồn tới gia đình anh Quế, đồng thời kêu gọi Hội người Việt Nam tại Angola với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, quyên góp giúp đỡ để sớm đưa thi hài anh Quế về nước theo nguyện vọng của gia đình.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), có khoảng 40.000 người Việt đang sinh sống và làm việc ở Angola. Từ năm 2014 đến nay, Bộ LĐ-TB-XH chỉ cấp phép cho 7 doanh nghiệp đưa lao động sang thị trường này.
Hiện, ước có khoảng vài ngàn lao động sang Angola theo hợp đồng cá nhân của các nhà thầu nhỏ người Việt; hoặc đi bằng visa du lịch có thời hạn 3 tháng. Hầu hết lao động đều phải đi qua các đường dây môi giới, “cò” lao động, bình quân 5.000 - 6.000 USD/người. Mức lương bình quân của các lao động tại đây khoảng 800 USD/tháng. Tuy nhiên, do làm việc cho các nhà thầu xây dựng nhỏ nên cũng có không ít người thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh. Chưa kể, các lao động không có bảo hiểm; bị ốm đau, tai nạn…
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có cảnh báo về việc người lao động đi theo con đường "chui". Hầu hết những người này phải sống tập trung trong các lán trại, đối mặt với tình trạng mất vệ sinh trầm trọng bởi môi trường ô nhiễm. Nhiều người không được bố trí làm hoặc bị nhiễm dịch bệnh hay vi phạm pháp luật, thậm chí bỏ mạng xứ người… và cũng không ít người không có tiền mua vé máy bay (1.300 - 1.700 USD) để hồi hương, nên buộc phải chấp nhận làm việc tạm bợ qua ngày tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.