Một năm có tới 666 người chết vì tai nạn lao động

04/03/2016 12:44 GMT+7

Tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2015 diễn biến rất nghiêm trọng. So với năm 2014, số vụ TNLĐ, số nạn nhân, số người chết, số người bị thương nặng đều gia tăng.

Tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2015 diễn biến rất nghiêm trọng. So với năm 2014, số vụ TNLĐ, số nạn nhân, số người chết, số người bị thương nặng đều gia tăng.

Tai-nan-lao-dongHiện trường vụ sập giàn giáo tại Formosa (Hà Tĩnh) - Ảnh: Nguyên Dũng
Tại buổi họp báo Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng nay 4.3, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, năm 2015, cả nước đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ (tăng 911 vụ so với năm 2014), làm 666 người chết (tăng 36 người chết) và 1.704 người bị thương nặng (tăng 160 người).
 
 
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, năm nay, tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ diễn ra từ 20 - 26.3 tại Hưng Yên, với chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo luật An toàn, vệ sinh lao động”.

Nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, như: sập giàn giáo dự án Formosa (Hà Tĩnh); bục lò khai thác than ở xóm Xiềng, xã Lỗ Sơn, H.Tân Lạc (Hòa Bình); sập lò vôi ở Thủy Nguyên (Hải Phòng)…
Mặc dù có tới 666 người chết vì TNLĐ, nhưng theo ông Thắng, đến 15.2.2016, Bộ LĐ-TB-XH mới chỉ nhận được 238 biên bản điều tra (261 người chết). “Qua phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người, lĩnh vực xây dựng vẫn đứng đầu danh sách để xảy ra nhiều TNLĐ; cơ khí đứng thứ 2; dịch vụ đứng thứ 3. Tiếp đến là lĩnh vực vận tải, khai thác khoáng sản, nông lâm nghiệp… Đáng chú ý, các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người là ngã từ trên cao (chiếm 28,1% tổng số vụ); vật rơi, đổ sập chiếm 16,8%; tai nạn giao thông chiếm 13%; máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn chiếm 6%”, ông Thắng cho biết.
Về nguyên nhân gây tai nạn: “Chủ yếu do người sử dụng lao động, chiếm 52,8%; còn do người lao động chỉ chiếm 19%. Cụ thể, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; do tổ chức lao động và điều kiện lao động và do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động”, ông Thắng nói.
Về tình hình cháy nổ, trong năm 2015, cả nước xảy ra 2.792 vụ cháy, có 1.121 vụ cháy ở nhà dân, 182 vụ cháy phương tiện giao thông và 388 vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 1.500 tỉ đồng...
Các địa phương xảy ra nhiều TNLĐ là TP.HCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…Trong đó, TP.HCM là địa phương có nhiều TNLĐ chết người nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.