Mưa lũ làm 60 người chết, 36 người mất tích

14/10/2017 07:29 GMT+7

Mưa lũ khiến 60 người chết và 31 người bị thương; làm sập 328 nhà, hư hỏng và tốc mái 1.250 nhà...

Thiệt hại về người có nguyên nhân chủ quan



Bão số 11 gây mưa, gió mạnh
Sáng 13.10, bão Khanun đã vượt đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 11. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, lúc 19 giờ cùng ngày, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90 km/giờ, giật cấp 11). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có mưa, gió mạnh cấp 7 đến cấp 9, sau tăng lên cấp 10 đến cấp 11, giật cấp 14. Biển động rất mạnh.   
 Hoàng Phan

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, báo cáo của Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đến 17 giờ chiều 13.10, mưa lũ khiến 60 người chết (Hòa Bình 22 người, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người, Bắc Cạn 1 người); 36 người mất tích (Hòa Bình 13 người, Yên Bái 16 người, Thanh Hóa 3 người, Sơn La 2 người, Nghệ An 1 người, Hà Nam 1 người) và 31 người bị thương; làm sập 328 nhà, hư hỏng và tốc mái 1.250 nhà, ngập 33.348 nhà; hư hại 86.790 ha hoa màu, thủy sản; sập 26 cầu...
Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai - Tổng cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Tại các tỉnh miền núi, người dân thường xây nhà gần sông suối, ven núi. Đối với thiệt hại về người lớn nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Yên Bái và Hòa Bình có yếu tố nguyên nhân chủ quan. Ngoài ra, khu vực miền núi hệ thống thông tin hạn chế, nhiều khu vực thông tin không đến được”.
Giao thông ách tắc
Ông Hà Công Thẻ, Chủ tịch UBND H.Mai Châu (Hòa Bình), cho biết chiều 13.10, đoạn QL6 qua ngã ba Tòng Đậu (xã Tòng Đậu) vẫn ngập sâu 1,7 m khiến các phương tiện không thể đi qua. Gần 3 ngày qua, UBND H.Mai Châu đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và dân quân địa phương tham gia đẩy bè mảng đưa miễn phí người dân qua đoạn đường ngập.
Theo ông Thẻ, ngày 13.10 tại Km 141 + 200 QL6 thuộc xã Đồng Bảng (H.Mai Châu) xuất hiện cung sạt lở rất lớn, từ trên núi cao. Cơ quan địa phương đã cấm tất cả phương tiện không đi qua đoạn đường sạt lở khiến toàn bộ QL6 từ Hòa Bình đi Sơn La bị cô lập, cắt đứt hoàn toàn.
Tại Thanh Hóa đoạn qua QL45 và QL217 vẫn còn nhiều điểm bị ngập sâu 50 - 70 cm khiến giao thông từ các huyện miền xuôi đi các huyện miền núi bị ách tắc cục bộ. Trong khi đó, tại Yên Bái, tuyến QL174 từ TX.Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu đã cơ bản được khắc phục, nhưng tại nhiều điểm, người dân chỉ lưu thông được bằng xe gắn máy.
Sáng 13.10, Nghệ An có mưa lớn, nước sông Vinh dâng cao khiến khoảng 60 m đê xung yếu qua địa bàn P.Vinh Tân (TP.Vinh) bị sạt lở, có nguy cơ vỡ đê. UBND TP.Vinh đã huy động 500 người, gồm quân đội, công an, dân quân tự vệ, dân phòng và người dân địa phương, hộ đê. Đến chiều tối cùng ngày, điểm sạt lở đã được đóng cọc tre và gia cố bằng các bao tải đựng đất, cát, đá...
Ngày 13.10, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã thị sát các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất và thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ tại TX.Nghĩa Lộ và H.Văn Chấn (Yên Bái), đồng thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Trong ngày 13.10, nhiều nơi ở Yên Bái, đặc biệt là H.Trạm Tấu, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả. Lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy thi thể 3 nạn nhân mất tích.
Hà An


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.